Hiệp định Geneve: Thắng lợi từ sự mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Mai Hạ|29/04/2024 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 thì hôm sau (8/5/1954), Hội nghị Geneve bàn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương khai mạc. Với 75 ngày thương lượng, đám phán khéo léo, cương quyết nhưng hết sức kiên định, sáng suốt cùng các hoạt động tiếp xúc ngoại giao dồn dập đằng sau các hoạt động công khai của đoàn Việt Nam, ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia được ký kết.

Ngay từ ngày Hội nghị bắt đầu, đoàn Việt Nam đã mềm dẻo, chủ động triển khai nhiều hoạt động ngoại giao và vận động quốc tế. Cụ thể, chúng ta đã kiên định trước mọi thử thách, chủ trương nhưng linh hoạt, khôn khéo trong sách lược.

Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".

"Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng"

Thượng tướng, PGS.TS. Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng cho biết, từ giữa năm 1953, khi Hiệp định đình chiến tại bán đảo Triều Tiên được ký kết, lúc này xu thế hòa hoãn trên thế giới phát triển mạnh mẽ, các nước lớn muốn giải quyết các xung đột và chiến tranh bằng thương lượng. Ngày 18/2/1954, tại Berlin, Hội nghị ngoại trưởng 4 nước Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp đã thống nhất triệu tập một hội nghị quốc tế ở Geneve (Thụy Sĩ) để giải quyết vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương.

26-geneve.jpg
Hội nghị Geneve bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương - Ảnh tư liệu Bộ Ngoại giao

Ngày 26/4/1954, Hội nghị Geneve bắt đầu họp. Cùng thời gian này, ở lòng chảo Điện Biên Phủ (Điện Biên, Việt Nam), quân viễn chinh Pháp đang ở tình thế hết sức khốn đốn trước sức tiến công mạnh mẽ của các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam. Sau khi các cứ điểm Him Lam, Độc Lập bị tiêu diệt, quân viễn chinh Pháp ở Bản Kéo đã buộc phải đầu hàng. Đồng thời, hàng loạt cứ điểm ở khu phía đông Mường Thanh bị tiêu diệt, quân viễn chinh Pháp lâm vào thế bị động, lúng túng.

Tuy nhiên, do chiến sự ở Điện Biên Phủ chưa ngã ngũ nên quân Pháp vẫn nuôi hy vọng giành được một thắng lợi về quân sự, tạo ưu thế trên bàn đàm phán để kết thúc chiến tranh tại Việt Nam trong danh dự.

Và chỉ đến đầu tháng 5/1954, khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân viễn chinh Pháp dần dần bị quân đội nhân dân Việt Nam bao vây, bóp nghẹt, không thể cứu vãn nổi thì thực dân Pháp và các nước đồng minh buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (DCCH).

Chiều ngày 7/5/1954, Bộ Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chính thức đầu hàng. Chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân Việt Nam toàn thắng, tạo nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ kéo dài 9 năm của chúng ta, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã kết thúc thắng lợi.

Có thể khẳng định, thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ với lực lượng nòng cốt là quân đội nhân dân Việt Nam chính là nhân tố quyết định đưa phái đoàn của Chính phủ Việt Nam DCCH đến bàn Hội nghị, buộc phía Pháp phải trực tiếp đàm phán với đại diện chân chính của nhân dân Việt Nam, phá âm mưu hợp thức hoá chính quyền bù nhìn Bảo Đại do Pháp dựng lên, đồng thời tạo ưu thế cho cuộc đấu tranh của phái đoàn ta trên bàn đàm phán.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn". Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là cái chiêng rất to phát ra tiếng vang lớn ngân vang toàn cầu, dội mạnh vào Hội nghị Geneve, đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp thô bạo của đế quốc Mỹ, buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Việt Nam DCCH.

Nói cách khác, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm thay đổi cục diện chiến tranh, là nhân tố quyết định thắng lợi của Hội nghị Geneve, đồng thời tạo thế để ta đấu tranh cho một giải pháp toàn diện về mặt chính trị và quân sự cho vấn đề Việt Nam trên bàn đàm phán.

75 ngày thương lượng, đàm phán khéo léo, cương quyết nhưng hết sức kiên định và sáng suốt

Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 thì hôm sau (8/5/1954), Hội nghị Geneve bàn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương khai mạc.

Dự Hội nghị có các đoàn đại biểu của 9 bên: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam DCCH, Quốc gia Việt Nam (chính quyền Bảo Đại), Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia.

Trong đó, 5 đoàn nước lớn: Anh (do Thủ tướng Anthony Eden dẫn đầu), Mỹ (Trưởng đoàn: Tướng Walter Bedell Smith, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao); Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (Trưởng đoàn: Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chu Ân Lai); Liên Xô (Trưởng đoàn: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Vyacheslav Molotov); Pháp (Trưởng đoàn là các Thủ tướng Georges Bidault, Pierre Mendes-France).

4 đoàn còn lại gồm: Việt Nam DCCH do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn; chính quyền Bảo Đại do Nguyễn Quốc Định dẫn đầu; Vương quốc Lào do Phoui Sananikone dẫn đầu và Vương quốc Campuchia do Tep Phan dẫn đầu.

Khi tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam DCCH đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".

Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, ngay từ ngày Hội nghị bắt đầu, đoàn Việt Nam đã mềm dẻo, chủ động triển khai nhiều hoạt động ngoại giao và vận động quốc tế. Cụ thể, chúng ta đã kiên định trước mọi thử thách, chủ trương nhưng linh hoạt, khôn khéo trong sách lược.

Song song với đấu tranh trên bàn đàm phán, đoàn ta đã tích cực làm việc, xử lý mềm dẻo với các đoàn Liên Xô, Trung Quốc và Pháp, đã họp báo, gặp gỡ với hàng trăm đoàn thể nhân dân và chính giới Pháp để bày tỏ thiện chí và quyết tâm của ta, tố cáo hành động hiếu chiến và âm mưu phá hoại của các lực lượng thù địch. Các hoạt động này đã góp phần làm cho dư luận Pháp và quốc tế ủng hộ lập trường của Việt Nam, buộc Chính phủ Pháp phải chấp nhận phương án về một giải pháp toàn bộ đối với Việt Nam và Đông Dương.

Hội nghị Geneve về Đông Dương chia làm 2 giai đoạn chính. Giai đoạn 1 (từ ngày 8/5/1954 - 23/6/1954): Đây là giai đoạn các bên trình bày lập trường của mình về cách giải quyết vấn đề Việt Nam và Đông Dương.

Trên thực tế, lập trường giữa các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị đã có một khoảng cách khá lớn. Các cuộc đàm phán tiến triển rất chậm chạp. 9 đoàn đại biểu đưa ra đề xuất và sau đó tiến hành thảo luận chung. Tuy nhiên, sự nhân nhượng lẫn nhau chỉ xuất hiện trong các cuộc thảo luận riêng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự "xa cách" này là khác biệt về hệ tư tưởng, đặc biệt là giữa đại biểu Mỹ và Trung Quốc. Trưởng đoàn Liên Xô Molotov và trưởng đoàn Anh Anthony Eden đã phải làm nhiệm vụ của "trung gian" và thông tín viên cho hai phía.

Về thời điểm đàm phán, Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương trích dẫn báo cáo ngày 1/5/1954 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quán triệt: "Phải tranh thủ làm cho Hội nghị Geneve bắt đầu để đi đến các cuộc gặp khác".

Đáng chú ý trong giai đoạn này là đoàn đại biểu Pháp và Trung Quốc đã vài lần đàm phán trực tiếp với nhau. Cuộc đàm phán có tính chất quyết định diễn ra vào ngày 17 và 23/6/1954, trong đó hai bên thoả thuận một giải pháp khung cho vấn đề Đông Dương là giải quyết vấn đề quân sự trước, tách rời giải pháp chính trị tại 3 nước Đông Dương.

26-geneve1.jpg
Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng (áo khoác trắng, đứng giữa ảnh)-Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam DCCH tại Hội nghị Geneve - Ảnh tư liệu

Về phía chúng ta, một mặt, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đại diện cho đoàn đại biểu Việt Nam DCCH kiên quyết đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương trên cơ sở các bên tham gia phải công nhận độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia; làm cho nhân dân Pháp thấy Chính phủ Pháp của Thủ tướng Laniel lúc bấy giờ hiểu là cần phải thay đổi thì Hội nghị Geneve mới thu được kết quả.

Mặt khác, Trưởng đoàn Việt Nam Phạm Văn Đồng cũng đã triệt để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ rộng rãi cả trong và ngoài Hội nghị, nhất là tranh thủ sự chia sẻ của Trưởng đoàn Liên Xô và Trưởng đoàn Trung Quốc là kịch liệt lên án thái độ hiếu chiến của đoàn Pháp và Mỹ.

Bên cạnh đó, trong Hội nghị, vấn đề khó khăn nhất là giới tuyến phân vùng và thời hạn tuyển cử ở Việt Nam. Về vấn đề này, chấp hành chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng đã kiên trì đề xuất lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến tạm thời và tiến hành tổng tuyển cử sớm. Tuy nhiên phía Pháp không đồng ý và vẫn đề xuất lấy vĩ tuyến 18 làm giới tuyến. Cuối cùng, với sự khéo léo và cương quyết, tại cuộc họp đêm ngày 20/7/1954, đồng chí Phạm Văn Đồng và 4 trưởng đoàn Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc vào phút chót đã thỏa thuận được là lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến phân vùng giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, đồng thời cũng ấn định thời hạn tổng tuyển cử là 2 năm.

Đặc biệt, thay mặt đoàn Việt Nam DCCH, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã sáng suốt, kiên định trình bày lập trường 8 điểm của Việt Nam tại Hội nghị. Đây là những quan điểm có ảnh hưởng rất lớn đến nhân dân các nước thuộc địa và các nước thực dân, nhất là đối với nhân dân và Chính phủ Pháp.

Đó là: 1- Pháp công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia; 2- Ký một hiệp định về việc rút quân đội nước ngoài ra khỏi 3 nước trong thời hạn do các bên tham chiến ấn định. Trước khi rút quân, đạt thoả thuận về nơi đóng quân của lực lượng Pháp hay Việt Nam trong một số khu vưc hạn chế; 3- Tổ chức tổng tuyển cử tự do trong 3 nước nhằm thành lập Chính phủ duy nhất cho mỗi nước; 4- Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố ý định xem xét việc tự nguyện gia nhập Liên hiệp Pháp và những điều kiện của việc gia nhập đó; 5- Ba nước thừa nhận các quyền lợi kinh tế, văn hoá của Pháp tại mỗi nước. Sau khi Chính phủ duy nhất được thành lập, các quan hệ kinh tế và văn hoá được giải quyết theo đúng các nguyên tắc bình đẳng và củng cố; 6- Hai bên cam kết không truy tố những người hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh; 7- Trao đổi tù binh; 8- Các biện pháp nói trên sẽ được thực hiện sau khi đình chỉ chiến sự.

Những đề nghị hợp tình, hợp lý do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa ra đã được dư luận tiến bộ ở chính nước Pháp và trên thế giới đồng tình ủng hộ.

Giai đoạn 2 (từ ngày 24/6/1954 - 20/7/1954): Trưởng đoàn Pháp và Trưởng đoàn Việt Nam DCCH đã đàm phán trực tiếp để giải quyết các vấn đề cụ thể. Đoàn đại biểu Việt Nam DCCH kiên trì đấu tranh cho mấy vấn đề cơ bản bao gồm: Quyền tham gia Hội nghị của các đại biểu Chính phủ kháng chiến Lào và Chính phủ kháng chiến Campuchia; chọn vĩ tuyến để khẳng định giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam và thời hạn tổ chức tổng tuyển cử tự do thống nhất nước ta. Hai vấn đề chủ chốt phía sau mãi đến gần lúc Hội nghị kết thúc mới được giải quyết.

Như vậy, sau 75 ngày thương lượng, đàm phán khéo léo, cương quyết nhưng hết sức kiên định, sáng suốt, qua 31 phiên họp (8 phiên họp rộng và 23 phiên họp hẹp) cùng các hoạt động tiếp xúc ngoại giao dồn dập đằng sau các hoạt động công khai, ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia được ký kết.

Theo Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Minh Tâm, mỗi lần nhân nhượng, thỏa hiệp, Đoàn ta đều cân nhắc kỹ, thực hiện phương châm "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", "kiên định về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, luôn giữ đúng mục tiêu".

Ngày 21/7, Hội nghị Geneva kết thúc. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung bao gồm những nội dung quan trọng như đình chỉ chiến sự, lập lại, duy trì và củng cố hòa bình; tổng tuyển cử thống nhất đất nước; và các vấn đề thi hành hiệp định cho toàn bộ Đông Dương. Sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta bước sang một giai đoạn mới.

Trong "Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Geneve thành công" ngày 22/7/1954 của mình, Hồ Chủ tịch đã viết: "Hội nghị Geneve đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to". Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, các nước lớn đã phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam gồm độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Chính phủ Pháp phải rút quân khỏi Việt Nam. Các văn kiện Hội nghị cũng nêu rõ giới tuyến chia cắt 2 miền Việt Nam là tạm thời và sau 2 năm thì 2 miền tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước.

Chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954-21/7/2024) diễn ra sáng 25/4, Thiếu tướng Phạm Sơn Dương (con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) cho biết ông may mắn được sống cùng ba của ông là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch, nên ông được kể cho nghe những câu chuyện về Bác Hồ kính yêu, trong đó có câu chuyện về bài học ngoại giao tại Hội nghị Geneve.

"Ba nói với tôi, Bác Hồ là người chín chắn, giàu kinh nghiệm, Bác đã dự đoán, Việt Nam tham dự Hội nghị Geneve sẽ gặp những áp lực rất lớn, mặc dù chiến thắng Điện Biên Phủ và sự chuyển hóa trong Chính phủ, Quốc hội Pháp là cơ hội thuận lợi cho ta nhưng khó khăn lớn nhất là sự can thiệp của các nước lớn vào Hội nghị", Thiếu tướng Dương nói.

Nhắc lại chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là vừa đánh vừa đàm phán để kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Thiếu tướng Dương đúc kết Hiệp định Geneve là một giải pháp đồng bộ về chính trị và quân sự để thực hiện mục tiêu đó.

"Bác căn dặn ba của tôi, trong đàm phán phải kiên quyết bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược và bước đi để đạt được mục đích là buộc Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt nam, Lào và Campuchia", con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể lại.

Từ thắng lợi ở Hội nghị Geneve, dân tộc ta đã đi qua nhiều chặng đường lịch sử: 21 năm kháng chiến trường kỳ để đất nước sạch bóng quân xâm lược, giang sơn thu về một mối; 10 năm đấu tranh phá bao vây cấm vận; và gần 40 năm đổi mới, đưa đất nước vững bước trên con đường phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hiệp định Geneve: Thắng lợi từ sự mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.