Hòa Bình quan tâm phát triển hệ thống thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng

Minh Trang|19/04/2023 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thông qua việc kiên cố hóa công trình thủy lợi cũng như hoàn thành phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi, tách biệt giữa quản lý nhà nước và quản lý khai thác theo quy định tại Luật Thủy lợi.

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 1.328 công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng (công trình có diện tích tưới tiêu ≤ 30 ha). Trong đó có 332 hồ chứa (gồm 262 hồ chứa nhỏ; 70 hồ chứa không thuộc phân loại hồ tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP); có 943 đập dâng, mương kiên cố; 38 trạm bơm và 15 trạm thủy luân. Hệ thống kênh mương 3.723 km các loại, đến hết năm 2022 đã kiên cố hoá được 2.126 km (đạt 57%). 

he-thong-thuy-loi.jpg
Ảnh minh họa

Theo đó, đối với công trình cấp tỉnh quản lý, công tác quản lý nhà nước được giao cho Sở NN&PTNT; quản lý khai thác, vận hành trực tiếp công trình giao cho Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi (511 công trình); Công ty TNHH MTV Cao Phong (5 công trình); Công ty TNHH MTV 2/9 (4 công trình); Trung tâm Giống vật nuôi và thủy sản (1 công trình). Đối với công trình cấp huyện quản lý, UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm quản lý 1.474 công trình trên địa bàn. Các tổ chức thủy lợi tại cơ sở hiện có 37 hợp tác xã, 72 tổ hợp tác dùng nước tại 8/10 huyện, thành phố (TP Hòa Bình, huyện Mai Châu chưa có tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia khai thác công trình thủy lợi).

Trong năm 2022, từ nguồn hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, tỉnh đã triển khai tăng cường năng lực cho các tổ chức thủy lợi cơ sở với 6 lớp, 188 học viên là cán bộ quản lý vận hành của các tổ chức thủy lợi cơ sở, tổng kinh phí 509,303 triệu đồng. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện tiêu chí thủy lợi trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khoảng 54,023 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ trực tiếp cho chương trình xây dựng nông thôn mới 7,44 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh, huyện, xã 39,193 tỷ đồng, vốn lồng ghép chương trình, dự án khác 4,14 tỷ đồng, vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư 3,25 tỷ đồng. Toàn tình có 129/129 xã đạt tiêu chí số 3 về thuỷ lợi trong xây dựng nông thôn mới.

Những năm qua, công tác phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, gắn công tác phát triển thuỷ lợi với xây dựng nông thôn mới. Các địa phương thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình thủy lợi đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất; quản lý chặt chẽ nguồn nước, chú trọng sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Bên cạnh đó, với đặc thù là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn manh mún nên việc xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn; hàng năm chịu ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở đất đá làm vùi lấp, hư hỏng nhiều các công trình thủy lợi; số lượng công trình thuỷ lợi nhiều, chủ yếu là công trình nhỏ lẻ, trình độ người dân còn hạn chế nên việc thành lập, hoạt động của các tổ chức thủy lợi tại cơ sở gặp nhiều khó khăn; năng lực cán bộ quản lý còn hạn chế về tổ chức quản lý và kỹ thuật, phần lớn chưa được đào tạo. Tổ chức thủy lợi cơ sở tại địa phương còn thiếu bền vững, kinh phí hoạt động khó khăn, hầu như không thu được phí thủy lợi nội đồng. Hệ thống kênh mương nội đồng chưa đồng bộ cùng với tập quán canh tác của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ; giống, thời vụ gieo cấy không đồng loạt trên cùng xứ đồng nên việc điều tiết nước phục vụ tưới để áp dụng công nghệ khó thực hiện. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn về mặt kỹ thuật, công nghệ để các doanh nghiệp, hộ dân có thể tiếp cận được các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ở các địa phương còn hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, ngành chức năng đề nghị Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN& PTNT, các bộ, ngành có liên quan xem xét hàng năm ưu tiên bố trí kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, nhất là các công trình bị hư hỏng do thiên tai, các công trình hiện là công trình tạm; kiên cố hóa kênh mương nhằm xây dựng hệ thống công trình thủy lợi hiện đại, đồng bộ. Có chỉ đạo, hướng dẫn gắn hoạt động của các tổ chức thủy lợi cơ sở với các mô hình kinh tế hợp tác khác trên địa bàn, đặc biệt là trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổ chức các lớp tập huấn, tăng cường công tác thanh tra các hoạt động quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng. Tiếp tục chỉ đạo phát triển các tổ chức thủy lợi cơ sở, việc chuyển giao công trình cho các tổ chức thủy lợi đã thành lập; đẩy mạnh chính sách phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hòa Bình quan tâm phát triển hệ thống thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.