VIDEO: Hàng loạt nhà xưởng “mọc như nấm” trên đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường tại xã An Thượng
Theo phản ánh của người dân cho biết: Nhiều năm qua, tại thôn Lại Dụ “mọc” lên một “cụm công nghiệp chui” rộng chừng 4 ha hoàn toàn trên đất nông nghiệp với nhiều ngành nghề khác nhau như: Sơn tĩnh điện, đồ gỗ, bánh kẹo, cơ khí… Do các nhà xưởng được xây dựng tự phát cùng với sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và huyện Hoài Đức nên các dơnh nghiệp tại đây không đầu tư hệ thống xử lý môi trường theo quy định vì vậy đã gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Đặc biệt, “cụm công nghiệp chui” này nằm hoàn toàn trong khu vực bãi sông và hành lang thoát lũ, đoạn đê tả sông Đáy từ K15+500 đến K16+600.
Hàng loạt nhà xưởng trái phép mọc lên san sát tại thôn Lại Dụ trước sự làm ngơ, buông lỏng quản lý của chính quyền
Nhận được phản ánh, PV Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã tìm về nơi đây để ghi nhận thực tế. Theo quan sát của PV, đứng trên đê sông Đáy đã dễ dàng nhìn thấy những dãy nhà xưởng sản xuất đồ sộ không phép nằm xen kẽ giữa các vườn nhãn của người dân. Đi sâu vào bên trong “cụm công nghiệp chui” này là hàng chục nhà xưởng được xây dựng kiên cố bằng khung sắt, nhà thép tiền chế đang hoạt động nhộn nhịp, xe tải ra vào lấy hàng tấp nập. Các nhà xưởng ở đây sản xuất rất nhiều mặt hàng như bánh kẹo, bao bì, thực phẩm, nhưng nhiều nhất là hàng cơ khí và thiết bị điện. Ước tính có khoảng 40 công trình nhà kho, nhà xưởng xây dựng trái phép. Các nhà xưởng này hầu như đều không có biện pháp xử lý môi trường. Bụi, khí thải, nước thải trong quá trình sản xuất vô tư xả thẳng ra ngoài, “đầu độc” môi trường, không khí.
Công nhân lao động không được trang bị đầy đủ bảo hộ
Trong số các nhà xưởng sản xuất gây ô nhiễm môi trường phải kể đến xưởng của Công ty TNHH thương mại và sản xuất GAP Huy Hoàng chuyên sơn tĩnh điện. Được biết công ty mới chuyển về Lại Dụ được một thời gian, bước vào khu sản xuất là mùi sơn, hóa chất nồng nặc bốc lên khiến chúng tôi cảm thấy khó thở, buồn nôn. Bên cạnh đó là hoạt động phun cát để làm sạch bề mặt sản phẩm không được thực hiện trong phòng riêng mà xả thẳng ra ngoài môi trường khiến cây cối xung quanh phủ một lớp bụi trắng xóa.
Công ty GAP Huy Hoàng không trang bị hệ thống xử lý môi trường, phun cát thẳng ra ngoài môi trường gây bụi bặm bao quanh xưởng
Bác N.T.A một hộ dân canh tác nông nghiệp gần đó cho chia sẻ: “Trước kia ở đây vốn là những vườn nhãn xanh tươi, hoa trái sum suê, tươi tốt quanh năm. Sau đó một số hộ dân đã dựng xưởng sản xuất trái phép, 1 nhà làm được thì nhiều nhà cũng làm được, thấy vậy họ cứ dựng xưởng lên ồ ạt, tình trạng đó diễn ra suốt hơn 10 năm nay rồi nhưng không hiểu sao các nhà xưởng vẫn ngang nhiên tồn tại sừng sững. Ở đây thì đủ thứ mùi nào là mùi sơn, mùi bánh kẹo, nước thải thì hôi thối…tất cả đều không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường khiến năng suất nhãn thời gian gần đây giảm một cách rõ rệt”.
Dù chỉ là những nhà xưởng xây dựng trái phép nhưng hầu hết công ty nào ở đây đều được gắn mác là “cụm công nghiệp”
Để làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo UBND xã An Thượng trong công tác kiểm tra, xử lý các nhà xưởng hoạt động trái phép, PV Moitruong.net.vn đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Thắng – Phó chủ tịch UBND xã An Thượng. Ông Thắng thừa nhận: “Hiện nay trên khu vực bãi thôn Lại Dụ có hơn 40 xưởng sản xuất. Khu vực này được quy hoạch để trồng cam, bưởi, nhãn nhưng họ xây dựng xưởng như vậy là hoàn toàn sai. Trước thực trạng trên, năm 2016, UBND xã đã ban hành kế hoạch cưỡng chế, yêu cầu các nhà xưởng di dời đến nơi được UBND huyện quy hoạch theo quy định nhưng đến nay họ vẫn chưa chuyển đi được do các nhà xưởng đều có máy móc thiết bị hạng nặng nên khó di chuyển. Về vấn đề môi trường thì các nhà xưởng này đều trang bị rất sơ sài gần như không có gì”.
Ông Nguyễn Văn Thắng – Phó chủ tịch UBND xã An Thượng thừa nhận các nhà xưởng tại thôn Lại Dụ hoạt động hoàn toàn trái phép
Do khó di chuyển hay do UBND xã đang cố tình “tiếp tay”, “làm ngơ” cho các nhà xưởng hoạt động trái phép. Những văn bản, quyết định của UBND xã An Thượng thể hiện sự vào cuộc quyết liệt nhằm cưỡng chế các trường hợp vi phạm phải chăng chỉ nằm trên giấy và thực tế đến nay vẫn không hề có một cán bộ nào bị kỷ luật vì buông lỏng quản lý đất đai, cũng chẳng có nhà xưởng nào bị đình chỉ hoạt động. Tất cả vẫn diễn ra bình thường như thách thức pháp luật.
Trả lời câu hỏi về việc xử lí chậm trễ các nhà xưởng hoạt động trái phép, ông Thắng cho biết: “Những vi phạm cũ xã sẽ từng bước xứ lý, yêu cầu các đơn vị chuyển sang cụm công nghiệp mới ở khu chùa Thông đã được xã, huyện quy hoạch. Kiên quyết không cho các đơn vị xây dựng mới, phát hiện những đơn vị nào manh nha xây dựng mới là sẽ xứ lí ngay”.
Tuy nhiên, được biết việc quy hoạch khu chùa Thông làm cụm công nghiệp vẫn chưa được UBND Tp. Hà Nội phê duyệt thì đến khi nào các nhà xưởng trái phép tại thôn Lại Dụ mới chịu di dời? hay sẽ trường tồn mãi mãi?
Khu vực thôn Lại Dụ là một điểm đen về vi phạm đất đai và trật tự xây dựng ở xã An Thượng nói riêng và huyện Hoài Đức nói chung. Dư luận đang đặt câu hỏi, tại sao suốt nhiều năm qua, các nhà xưởng vẫn hiên ngang hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp trước sự quản lí lỏng lẻo, thiếu kiên quyết của chính quyền địa phương. Phải chăng chính quyền nơi đây đang “nhắm mắt làm ngơ”, bao che cho các nhà xưởng hoạt động trái phép bất chấp pháp luật? Đề nghị UBND Tp. Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Hoài Đức và các sở ngành chức năng vào cuộc kiểm tra xử lý dứt điểm những vi phạm về Luật đất đai, môi trường, xây dựng của các nhà xưởng tại thôn Lại Dụ.
Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong bài tiếp theo.
Thuỳ Dương – Đức Hiếu