Dự án được khởi công từ tháng 5-2018, chia làm hai gói thầu xây lắp gồm: Gói 1 đoạn Mai Dịch – Cổ Nhuế và gói 2 đoạn Cổ Nhuế – Nam Thăng Long. Đến nay, tiến độ thi công gói 1 đạt 44,4% khối lượng, chậm 5,3%; gói số 2 thi công đạt 45,2%, chậm 5,6%.
Theo lý giải của Ban Quản lý dự án Thăng Long, có nhiều nguyên nhân dẫn tới chậm tiến độ thi công. Đầu tiên là điều kiện mặt bằng của dự án thay đổi nên phải thực hiện một số nội dung điều chỉnh thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật.
Dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long hiện đã hoàn thành hơn 98% khối lượng
Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Ban quản lý dự án Thăng Long chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh phương án tổ chức giao thông của Dự án (kết hợp giữa Dự án cầu cạn với Dự án sửa chửa mặt cầu Thăng Long). Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức thẩm định phương án tổ chức giao thông của Dự án đảm bảo các điều kiện để trình Bộ GTVT xem xét chấp thuận phương án tổ chức giao thông trước ngày 15/9/2020.
Đến nay, cơ bản mặt bằng của dự án đã được thành phố Hà Nội bàn giao cho các nhà thầu. Ban Quản lý dự án Thăng Long đã thống nhất với nhà thầu, tư vấn các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công, quyết tâm hoàn thành dự án theo đúng hợp đồng đã ký.
Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long là công trình trọng điểm do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn vay JICA, mục tiêu xây dựng 5,049 km đường cao tốc 4 làn xe chạy trên cao, dọc theo đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội).
Ngoài đơn vị đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Thăng Long, các chủ thể quan trọng khác tại dự án này là liên danh tư vấn giám sát OCG – OC – KEI (Nhật Bản) – TEDI (Việt Nam); liên danh Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) – Cienco4 thi công gói thầu xây lắp số 1 và liên danh Tokyu – Taisei (Nhật Bản) thi công gói thầu xây lắp số 2.
Minh Anh