Theo quyết định của thành phố, ngày 13/4, các trường mầm non sẽ đón trẻ, tổ chức bán trú và dạy hai buổi một ngày dựa trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận của phụ huynh. Kể từ tháng 4/2021 đến nay, trẻ đã có gần 1 năm không được tới trường.
Trong “ngày hội đến trường” này có thật nhiều cảm xúc của giáo viên, phụ huynh và cả học trò.
Từ 7h15, trường Mầm non Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội bắt đầu đón những học sinh đầu tiên. Dó có thêm trường tiểu học ngay sát, lượng xe của phụ huynh đổ dồn về khu vực hai trường cùng lúc khiến đường bị ùn tắc. Phía trong cổng trường, 20 giáo viên cầm biển lớp đợi sẵn học trò. Các cô sẽ đo nhiệt độ, hướng dẫn phụ huynh và trẻ tìm đúng lớp của mình. Trên mỗi lớp, trường bố trí ba giáo viên đợi và đón học trò, dỗ các em không quấy khóc khi bố mẹ ra về.
Đưa con gái bốn tuổi đến trường, chị Thu Hằng kể, từ tối qua, bé đã háo hức nhưng hôm nay có lẽ thấy nhiều người lạ, bé hơi rụt rè. Chị Hằng nhận định, trẻ mầm non cần được trở lại trường, vui chơi, gặp bạn bè. “Tôi thấy rất vui và nhẹ nhõm khi lại được đưa con đến lớp”, chị nói.
Ngay từ rất sớm lực lượng giáo viên cũng như thực tập sinh đã túc trực để đón các em học sinh.
Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Hiệu trưởng Mầm non Yên Hòa, cho biết, kết quả khảo sát trước ngày mở cửa trường cho thấy, hơn 90% phụ huynh trường này đồng thuận cho con đi học lại.
Tại trường Mầm non Sắc màu tuổi thơ – Kid’s Color (quận Nam Từ Liêm), âm nhạc vang lên khắp khuôn viên trường sáng nay. Cô hiệu trưởng cùng năm giáo viên khác mặc áo dài đứng hai bên chào đón học sinh. Những giỏ kẹo, biển chào mừng được chuẩn bị sẵn để tặng các em.
Cô Hoàng Anh, giáo viên phụ trách lớp 5 tuổi, vui mừng khi nhìn thấy những học sinh đầu tiên trở lại trường. “Nhìn thấy các con trong sân trường, tôi rất xúc động”, cô Hoàng Anh nói.
Trong ngày đầu đi học lại, một số trẻ nhỏ bật khóc khi phải xa mẹ. Chị Phương Nga (29 tuổi, trú phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm), sau khi giao con 4 tuổi cho cô giáo, đã đứng một lúc để dõi theo con. Thấy các cô dẫn con lên tận lớp, chị yên tâm đi làm. “Dù muộn nhưng đến trường được ngày nào tốt ngày đó”, chị nói.
Cũng đứng đón học trò ở cổng trường từ sớm, Thạc sĩ Lê Thị Nhuệ, Hiệu trưởng Mầm non Sắc màu tuổi thơ chia sẻ một năm đóng cửa trường là quãng thời gian rất khó khăn nhưng toàn bộ 24 giáo viên vẫn đồng hành cùng nhà trường, khoảng 150 phụ huynh tiếp tục tin tưởng và 20 phụ huynh mới tới đăng ký học cho con hôm qua.
“Hôm nay như ngày hội với chúng tôi vậy”, cô Nhuệ nói.
Nhận trẻ từ 15 tháng tuổi đến 5 tuổi, trong đó có cả học sinh cũ và mới, cô Nhuệ cho biết nhà trường lên kế hoạch tuần đầu chủ yếu tổ chức các hoạt động vui chơi nhẹ nhàng để các em làm quen với môi trường, thầy cô, bạn bè.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội là địa phương cho trẻ mầm non nghỉ ở nhà lâu nhất. 1.145 cơ sở giáo dục mầm non của thành phố đã phải đóng cửa hoàn toàn kể từ tháng 4/2021. Sau hôm nay, toàn bộ 2,2 triệu trẻ mầm non và học sinh phổ thông ở Hà Nội được đi học trực tiếp đầy đủ.
Nhiều em học sinh không chịu vào lớp, mặc dù bà và bố đã hết sức dỗ dành.
Cô giáo Nguyễn Thị Đào (giáo viên phụ trách lớp mẫu giáo bé 3-4 tuổi, Trường Mầm non Lê Quý Đôn, quận Hà Đông) chia sẻ, do là ngày đầu tiên quay trở lại trường nên hôm nay nhiều trẻ khóc mếu, thậm chí đòi về cùng phụ huynh. Để khắc phục, cô Đào cùng các giáo viên đã dùng các biện pháp nghiệp vụ như dỗ dành, trấn an tâm lý, tổ chức trò chơi để các bé yên tâm.
Dù rất vất vả, song cô Đào cho hay, các giáo viên của trường đã có kinh nghiệm cũng như quyết tâm để các bé đến trường được an toàn, vui vẻ.
Chị Nguyễn Thu Trang (phường La Khê, quận Hà Đông) cho hay, hôm nay dù cũng có chút lo lắng nhưng cũng rất phấn khởi khi con được quay trở lại trường.
“Con trở lại trường thì mình mới có thể yên tâm, tập trung đi làm. Chúng tôi cũng yên tâm hơn khi cho con đi học khi dịch bệnh Covid-19 ở Hà Nội có vẻ đã được kiểm soát tốt”, chị Trang nói.
Tâm trạng vui mừng đan xen lo lắng khiến chị Lê Thị Mai Anh (30 tuổi, Linh Đàm, Hà Nội) cả đêm qua trằn trọc mất ngủ. Chị dậy từ 5h để chuẩn bị bữa sáng và quần áo cho bé Na 5 tuổi đến trường học trực tiếp buổi đầu tiên năm học 2021 – 2022. Dù chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm học nhưng chị rất mừng vì trường học kịp mở cửa, con được đến lớp vui chơi. Chị lo vì sau thời gian dài ở nhà không biết con sẽ thích nghi ở môi trường mới thế nào.
Để con đến trường ngày đầu suôn sẻ không khóc mếu, những ngày qua vợ chồng chị liên tục kể về chuyện đi học được gặp gỡ vui chơi cùng các bạn. Chiều nào chị cũng tranh thủ đưa con ra sân trường mầm non chơi để quen dần với môi trường mới, tránh bỡ ngỡ.
Chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tâm lý là vậy, nhưng sáng nay khi thay đồ chuẩn bị cho đến lớp thì con oà khóc, một mực đòi ở nhà, không muốn đi học. Chị không nỡ quát mà nhẹ nhàng dặn dò con đi học ngoan chiều mẹ đón về. Sau một hồi dỗ dành, vỗ về, bé Na cuối cùng cũng chịu theo bố mẹ đến lớp.
Từ tối qua, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Gia Linh (32 tuổi, Long Biên, Hà Nội) cùng nhau sắp xếp đồ vào cặp, chọn bộ áo dài mới tinh để diện trong ngày đầu tiên đến lớp.
Trước khi được bố đưa đến trường, chị không quên dặn dò: “Bé Bống đi học không được khóc nhè”. Người mẹ 32 tuổi ủng hộ mở cửa trường mầm non bởi trẻ ở nhà quá lâu, không được học tập, trau dồi kỹ năng sống khiến con trở nên rụt rè, thiếu tự tin. Chị cũng xác định việc F0 xuất hiện trong trường là điều không tránh khỏi.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tỷ lệ phụ huynh đăng ký cho trẻ trở lại trường từ ngày 13/4 đạt 80%. Báo cáo từ các Phòng Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trong dịp nghỉ lễ vừa qua, nhiều trường, nhóm lớp đã rà soát, hoàn thiện các điều kiện để sẵn sàng đón trẻ trở lại trường.
Toàn thành phố hiện có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non với hơn 525.000 trẻ theo học. Trong đó, số trẻ theo học tại các cơ sở tư thục là hơn 158.000, chiếm 30%.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các trường, cơ sở mầm non tiếp tục tuyên truyền tới phụ huynh để tiếp tục nâng tỷ lệ trẻ đến trường cao hơn mức trên 80% so với tỷ lệ khảo sát. Ông cũng yêu cầu các trường tuyệt đối không chủ quan, lơ là dù tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát.
Giang Anh