Tin hoạt động Hội

Hội thảo “Một số giải pháp quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sạch trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên”

Hoàng Cường Quốc 23:28 01/11/2024

Ngày 1/11, tại Thái Nguyên, Hội Nước sạch và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển bền vững nước sạch và vệ sinh môi trường thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh tổ chức Hội thảo đề xuất giải pháp quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sạch trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, lãnh đạo Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển bền vững nước sạch và vệ sinh môi trường; Lãnh đạo Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, Lãnh đạo Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh, một số trường Đại học, các nhà quản lý, doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất và vận hành, khai thác nước sạch, phóng viên các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương…

img_5324(1).jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích những thuận lợi, khó khăn trong công tác quản lý sau đầu tư đối với các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; đồng thời khẳng định cần sớm có giải pháp mang tính tổng thể, thiết thực trong quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước; bảo vệ an ninh nguồn nước trong Chương trình xây dựng nông thôn mới…

Theo đó, thời gian qua, công tác quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn Thái Nguyên đã được sự quan tâm, chỉ đạo rất sớm của tỉnh thông qua việc ban hành các Quyết định số 2116/QĐ-UBNDN, ngày 25/9/2014 v/v Ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác dịch vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung; Quyết định số 571/QĐ-UBND ngày 12/3/2015 v/v phê duyệt phân cấp quản lý, khai thác công trình cấp nước tập trung…

Cùng với đó, các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp thực hiện công tác quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn; tuy nhiên, hiện nay vẫn đang còn tồn tại một số bất cập như: các công trình đã được xây dựng từ 20 năm, thậm chí một số công trình mới xây dựng, nhưng dưới sức ép của nhu cầu phát triển các ngành kinh tế và sự gia tăng dân số, cùng các tác động của biến đổi khí hậu, lũ lụt và một số nguyên nhân chủ quan, khách quan;... đã khiến nhiều công trình bị xuống cấp, thậm chí bị hỏng và ngừng hoạt động.

Việc mất cân bằng giữa nhu cầu dùng nước và khả năng dự trữ nước; khai thác tài nguyên nước chưa hợp lý, thiếu bền vững, hiệu quả sử dụng nước sạch chưa cao; nguồn nước một số vùng nông thôn vẫn đang bị ô nhiễm, cạn kiệt, chất lượng nước đang suy giảm; nhu cầu dùng nước phục vụ phát triển kinh tế, xã hội ngày càng tăng; trong khi đó ý thức của mỗi người dân và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ công trình và sử dụng nước chưa hợp lý. Từ đó đã làm cho nhiều công trình cấp nước sạch bị xuống cấp mà chưa được sửa chữa kịp thời. Điều này đang trở thành thách thức lớn đối với công tác quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sạch tập trung, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân và mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

img_5325.jpg
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích những thuận lợi, khó khăn trong công tác quản lý sau đầu tư đối với các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh

Chính vì tính cấp thiết trên, Hội thảo đã đề xuất một số giải pháp mang tính tổng thể trong công tác quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sạch trong chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Cụ thể, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, rà soát hoạt động quản lý công trình cấp nước trên địa bàn; hàng năm bố trí kinh phí hỗ trợ quản lý, vận hành, sửa chữa lớn công trình cấp nước sinh hoạt; định hướng hoạt động theo cơ chế thị trường đối với dịch vụ cấp nước sạch; chỉ đạo xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý công trình của các địa phương. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ các công trình, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hợp lý; tăng cường xã hội hóa trong quản lý, đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt…

Thái Nguyên hiện có trên 250 công trình cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn tập trung, trong đó Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn được giao vận hành 32 công trình, còn lại do UBND các xã và hợp tác xã, doanh nghiệp quản lý. Do đã được xây dựng từ lâu nên hiện nay nhiều công trình bị xuống cấp, thậm chí nhiều công trình bị hỏng đã ngừng hoạt động. Trong khi đó nguồn kinh phí để sửa chữa còn thiếu…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hội thảo “Một số giải pháp quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sạch trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên”
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.