Buổi lễ được truyền hình, phát thanh trực tiếp tại điểm cầu trụ sở UBND quận 2; ngoài ra, hai địa điểm phục vụ theo dõi truyền hình trực tiếp là Nhà Thiếu nhi quận 9 và Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức.
Trong buổi lễ, TPHCM công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 1111, đồng thời ra mắt ban chỉ đạo và công bố lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, kế hoạch đầu tư các công trình dự án trọng điểm tại TP Thủ Đức. Trong buổi lễ, có nghi thức khai trương mạng di động 5G đầu tiên trên địa bàn TP Thủ Đức, sẵn sàng cung cấp các trải nghiệm dịch vụ tốc độ cao phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đến dự có ông Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; ông Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.
Dự Lễ công bố còn có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TP HCM; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP HCM; ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM; ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM.
Buổi lễ còn có sự tham dự của các cán bộ lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng; lãnh đạo các bộ và cơ quan ngang bộ; đại diện lãnh đạo các tỉnh/TP trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các thành phố trực thuộc Trung ương… Đặc biệt, nhân dân quận 9 và quận Thủ Đức đang theo dõi chương trình Lễ công bố qua chương trình truyền hình trực tiếp tại Nhà Thiếu nhi quận 9 và Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức.
Tại buổi lễ, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lên công bố Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM.
Ngay sau phần công bố, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã lên trao Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho lãnh đạo TP HCM.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, theo dõi và chỉ đạo Đảng bộ TP cho biết, trong nhiệm kỳ 14 của Quốc hội, chỉ trong vòng 3 năm 2017 – 2020, Quốc hội đã có 2 Nghị quyết và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có một Nghị quyết tạo nên sự đột phá về thể chế phát triển của TP HCM. Đó là Nghị quyết 54/2017 về thí điểm chính sách đặc thù phát triển TP HCM; Nghị quyết 131/2000 về tổ chức chính quyền đô thị ở TP HCM; Nghị quyết 1111/2020 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức.
Phối cảnh hạ tầng TP Thủ Đức trong tương lai. Ảnh: Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM
TP Thủ Đức sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1/3/2021.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá, việc thành lập TP Thủ Đức sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. TP Thủ Đức không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân, dự kiến đóng góp 30% GRDP TPHCM và 7% GDP cả nước.
Sau 60 ngày kể từ ngày Nghị quyết 1111 có hiệu lực, từng đơn vị hành chính, các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính mới phải hoàn thành xong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo sự ổn định, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân và hoạt động kinh tế của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.
Việc thành lập TP Thủ Đức sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Vì TP Thủ Đức khi được thành lập, không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân, dự kiến đóng góp 30% GDP TP Hồ Chí Minh và 7% GDP cả nước.
TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức. TP Thủ Đức rộng hơn 211km², có quy mô trên 1 triệu người. Hiện nay, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo UBND các quận 2, 9, và Thủ Đức, các sở – ngành có liên quan chủ động chuẩn bị các nội dung cần thiết hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục hành chính… khi lên thành phố.
Đối với trường hợp cá nhân, tổ chức không có nhu cầu chuyển đổi thì các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.
Cụ thể, nội dung chính của Nghị quyết 1111 gồm, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh, thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức. Sau khi thành lập, TP Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người. TP Thủ Đức giáp Quận 1, Quận 4, Quận 7, Quận 12, Quận Bình Thạnh; tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP Thủ Đức như sau, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường An Khánh vào phường Thủ Thiêm. Sau khi nhập, phường Thủ Thiêm có 3,25 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 428 người.
Đồng thời thành lập phường An Khánh trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của phường Bình Khánh và toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của phường Bình An. Sau khi thành lập, phường An Khánh có 3,92 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 23.154 người.
Sau khi thành lập TP Thủ Đức và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, TP Thủ Đức có 34 phường: An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tam Bình, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm, Trường Thạnh, Trường Thọ.
Thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP Hồ Chí Minh. Thành lập TAND TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Thành lập Viện KSND TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Kể từ ngày Nghị quyết 1111 có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2021), TP HCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố; 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 58 xã, 249 phường và 5 thị trấn.
An Nhiên