Ngày 17/10, lãnh đạo UBND huyện Đất Đỏ và các cơ quan chức năng liên quan đến khu vực rừng phòng hộ tại xã Lộc An - nơi xảy ra tình trạng cây chết bất thường để khảo sát thực địa.
Nhìn từ khu neo đậu tàu thuyền cảng cá Lộc An vào, dễ dàng nhận thấy một khu vực lớn rừng phòng hộ ngăn mặn đã chết khô, còn trơ lại những cành khẳng khiu, trụi lá. Số cây chết chủ yếu là cây mắm, không tập trung, rải rác từng vị trí nhỏ, cách nhau bởi các rạch nhỏ trong khu vực được đào đắp bờ. Trong khi đó, khu vực phía ngoài khu vực bờ bao, hầu hết diện tích cây rừng vẫn phát triển xanh tốt.
Khu vực rừng phòng hộ có diện tích cây chết nằm trong ranh giới rừng phòng hộ, đã được cắm mốc, thuộc Lô A16, khoảnh 2, tiểu khu Lộc An (xã Lộc An) do Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh quản lý, được giao khoán cho người dân từ năm 2004.
Ông Nguyễn Duy Bắc, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ tỉnh cho biết, qua rà soát thực địa xác định, cây chết từ từ. Qua quá trình và ước tính thời gian cây chết đã được hơn 3 năm. Hiện nay, số cây chết đang trong tình trạng khô mục, nấm, bị tróc vỏ, chưa thể xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, cũng trong khu vực này, có khoảng 0,16ha rừng, chủ yếu là cây đước, vẫn sống và phát triển xanh tốt. Khu vực cây bị chết là khu vực cù lao biệt lập nên việc phát hiện chậm trễ.
“Hiện nay, chúng tôi đang kiểm tra, đánh giá và đã có báo cáo gửi Sở NN-PTNT. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với chủ hợp đồng khoán và tiến hành xử lý đối với trách nhiệm hợp đồng khoán”, ông Bắc nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Dũng, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đất Đỏ cho biết, địa phương cũng đang chỉ đạo UBND xã Lộc An phối hợp với kiểm lâm quản lý chặt chẽ và yêu cầu chủ nhận khoán giữ nguyên hiện trạng, không tác động gì vào vị trí này để cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân, sau đó phục hồi, tái sinh trở lại.
Hệ sinh thái rừng ngập mặn có tính đặc thù, rất nhạy cảm với những tác động của biến đổi khí hậu. Trước tình trạng các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng khắc nghiệt và khó lường, công tác bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng càng trở nên cấp thiết.