(Moitruong.net.vn) – Hàng chục năm nay, tình trạng ô nhiễm sông Cầu Lường vẫn gây nhức nhối đối với người dân huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Do quá bức xúc nên người dân đã liên tục “kêu cứu” đến cơ quan chức năng nhưng tình trạng ô nhiễm ở con sông vẫn không thuyên giảm và đang có dấu hiệu gia tăng.
Sông Cầu Lường có chiều dài 12 km tưới tiêu cho nông nghiệp và là hệ thống tiếp nhận nước thải khu dân cư, nước thải công nghiệp của hơn 20 doanh nghiệp dọc theo hai bờ sông. Thực tế nước sông ngày càng bị ô nhiễm, nhiều thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng, nước có màu đen, bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất, gây bức xúc trong nhân dân các xã Ngọc Lâm, Bạch Sam, Xuân Dục, huyện Mỹ Hào.
Thông tin trên báo Tài nguyên và Môi trường cho thấy, ông Nguyễn Hữu Lan, người dân thôn Vô Ngại rất bực tức khi nói về tình trạng ô nhiễm kéo dài trên sông Cầu Lường gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân trong vùng: “Đã hàng chục năm qua, người dân chúng tôi phải “hứng chịu” mùi hôi thối nồng nặc từ nước sông bốc lên. Nhất vào ngày trời nắng nóng, cả thôn bốc mùi xú uế nồng nặc, cá tôm chết trắng sông… thật xót xa! Dọc theo sông cầu Lường hiện có rất nhiều Công ty, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực, nên người dân chỉ biết kiến nghị chính quyền cơ sở, ban, ngành… cần có giải pháp quyết liệt kiểm tra, phát hiện Công ty, Nhà máy hoạt động sản xuất lĩnh vực nhạy cảm, như: giặt, nhuộm; tái chế nhựa… Các Công ty này chính là tác nhân gây nên ô nhiễm môi trường. Nhưng nhiều năm qua tình trạng nước sông không được cải thiện, mà ngày một thêm thối khẳm, đen sì đã làm đời sống, sinh hoạt của nhiều gia đình trong thôn đảo lộn”.
Ống xả thải chảy ra từ một số công ty trên địa bàn xã Xuân Dục có màu vàng
Theo ông Trần Huy Thuấn, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm: Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Ngọc Lâm đã có đến 14 Công ty đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực, chưa kể các Công ty ở các xã Phùng Chí Kiên, Bạch Sam, Xuân Dục… xả thải ra sông cầu Lường. Mỗi khi, cống cầu Ngái đóng lại tích nước, thì cá chết trắng trên sông cầu Lường và các hộ dân ven sông ầm ầm phản đối vì không chịu được mùi hôi thối. Khi nước bơm vào ruộng thì năng suất lúa bị sụt giảm, so với việc không lấy nước sông cầu Lường từ 30 – 40% sản lượng, nước chảy vào ao cá thì cá chết hàng loạt. Hiện nay, trong xã Ngọc Lâm có 4 thôn: Vô Ngại, Nho Lâm, Hòe Lâm, Ngọc Lãm phải sử dụng nước sông cầu Lường cho sản xuất nông nghiệp, khiến chính quyền và người dân bức xúc. Chính vì vậy, chính quyền xã đã nhiều kiến nghị huyện Mỹ Hào, sở, ban, ngành… nhưng đã hàng chục năm qua, ô nhiễm vẫn “hoàn ô nhiễm”.
Trước thực trạng đó, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hưng Yên đã tổ chức nhiều đợt lấy và phân tích mẫu nước. Kết quả các chỉ tiêu được phân tích đều vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mặt. Để khắc phục tình trạng trên, Sở Tài nguyên & Môi trường đã đề ra một số giải pháp như: không tiếp nhận các dự án đầu tư có phát sinh nhiều nước thải, các dự án nhạy cảm về môi trường vào khu vực sông Cầu Lường.
Không cho thuê nhà xưởng đối với các hoạt động sản xuất tái chế phế liệu, các loại hình sản xuất phát sinh nhiều nước thải. Đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường trinh sát và xử lý nghiêm các đơn vị xả nước thải không đạt quy chuẩn hoặc xa trộm nước thải ra sông Cầu Lường.
Hy vọng, với những giải pháp trên, các cơ quan chức năng sớm tìm ra Công ty xả thải không đạt chuẩn, xả rác bừa bãi hủy hoại môi trường, để xử lý nghiêm minh, đồng thời, có biện pháp khắc phục sự cố để trả lại môi trường sống trong sạch cho người dân ven sông Cầu Lường.
T.Minh (TH)