Hướng dẫn các quy định về nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất ô nhiễm khó phân hủy

Bảo An|05/08/2022 16:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 03/8, tại TP.Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “Hướng dẫn các quy định về nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị chứa chất ô nhiễm khó phân hủy”.

9869-1659599807-toancanhchutri.jpg
Tổng cục Môi trường phối hợp với Tổng cục Hải quan chủ trì Hội thảo.

Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (các chất POP) được các quốc gia ký kết và phê chuẩn thực hiện nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, đa dạng sinh học và môi trường sống trước những nguy cơ, rủi ro do các chất POP gây ra. Công ước Stockholm quy định việc ngừng sản xuất, cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và tiến tới tiêu hủy hoàn toàn một số chất POP do con người tạo ra, đồng thời, thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu liên tục sự phát sinh không chủ định các chất POP từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh hoặc xử lý chất thải.

Việt Nam đã tham gia và phê chuẩn Công ước Stockholm vào ngày 22/7/2002. Ngày 10/8/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm tại Việt Nam (tại Quyết định số 184/2006/QĐ-TTg và cập nhật tại Quyết định số 1598/QĐ-TTg). Các Kế hoạch này được ban hành nhằm quản lý an toàn, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ các chất POP tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của Công ước Stockholm, thể hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Theo ông Hoàng Văn Thức- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất POP, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, địa phương, các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp và các chuyên gia triển khai hiệu quả các Quyết định này tại Việt Nam.

Nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam đối với Công ước Stockholm và trong bối cảnh xu hướng quốc tế về quản lý và kiểm soát chặt chẽ các chất POP và các chất ô nhiễm khó phân hủy khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nội luật hóa các quy định của Công ước Stockholm trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về yêu cầu bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy (bao gồm các chất POP) và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy (tại Điều 69), cũng như quy định xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị (tại Điều 97, 98). Các nội dung này được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (Điều 38, 39, 40, 41, 42), Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT (Điều 47, 48) và Nghị định số 45/2022/NĐ-CP (Điều 28).

Ông Hoàng Văn Thức cho biết, với các quy định này, Việt Nam sẽ tăng cường vai trò và trách nhiệm trong việc quản lý các chất POP đối với Công ước Stockholm.

chai.jpg
Mất hàng trăm đến hàng nghìn năm để chai nhựa có thể phân hủy.

Cũng theo ông Hoàng Văn Thức, Hội thảo nhằm mục đích trao đổi, thảo luận những nội dung về đánh giá nhu cầu nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất POP của các doanh nghiệp; việc thay thế các chất POP trong các ngành/lĩnh vực sản xuất; thủ tục đăng ký miễn trừ chất POP... đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương (đặc biệt là các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế...) trong việc thực hiện hiệu quả Công ước Stockholm và các quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy (bao gồm các chất POP)…

Ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nay, Cục đã phối hợp với Vụ Quản lý chất lượng môi trường – Tổng cục Môi trường nghiên cứu triển khai thực hiện và thấy nội dung nêu trên của Nghị định có một số quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc thực hiện thủ tục hải quan tại các đơn vị hải quan địa phương có liên quan đến việc nhập khẩu chất ô nhiễm khó phân hủy (POP) và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực điện-điện tử, sản xuất cao su, nhựa, thiết bị y tế, dược phẩm, mỹ phẩm,…

Cũng theo ông Đào Duy Tám, qua rà soát Danh mục các chất POP tại Phụ lục XVII ban hành kèm Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Cục cũng thấy một số sản phẩm hóa chất cũng thuộc đối tượng điều chỉnh tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất. Do vậy, ông Tám đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến nên xác định một số sản phẩm, hàng hóa cần thực hiện thủ tục hành chính về danh mục sản phẩm miễn trừ. Bổ sung giải pháp để thực hiện thủ tục nào thực hiện trước, thủ tục nào thực hiện sau và có thể gộp hai thủ tục hành chính làm một.

Ngoài ra, để phổ biến nội dung của Nghị định cho cán bộ công chức hải quan trực tiếp làm thủ tục tại các Chi cục, cho cộng đồng doanh nghiệp, đảm bảo thống nhất thực hiện, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trước thời điểm Nghị định chính thức có hiệu lực ngày 1/1/2023. Thông qua Hội nghị này, cục GSQL mong muốn các đơn vị nắm vững các quy định tại Nghị định liên quan đến các chứng từ phải nộp cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục hải quan; các doanh nghiệp rà soát đối chiếu việc thực hiện các thủ tục hành chính như: đăng ký miễn trừ, ghi nhãn, đánh giá sự phù hợp; trách nhiệm về sử dụng, kinh doanh các mặt hàng này cũng như sự chồng chéo với các quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP để cùng trao đổi với đại diện các cơ quan quản lý chuyên ngành để thống nhất thực hiện.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài trình bày về giới thiệu các quy định của Công ước Stockholm và Luật Bảo vệ môi trường 2020 về quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy; hướng dẫn thực hiện việc đăng ký miễn trừ chất POP; quản lý và kiểm soát xuất nhập khẩu các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị chứa chất ô nhiễm khó phân hủy. Đồng thời, trao đổi, thảo luận những nội dung về đánh giá nhu cầu nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất POP của các doanh nghiệp; việc thay thế các chất POP trong các ngành/lĩnh vực sản xuất; thủ tục đăng ký miễn trừ chất POP...

Các đại biểu cũng đưa ra ý kiến để các nhà quản lý thuộc Tổng cục Môi trường và Tổng cục Hải quan giải đáp rõ ràng hơn về những nội dung như nhập các chất hữu cơ khó phân hủy; thế nào là chất dễ xuống cấp; doanh nghiệp không nhập khẩu trực tiếp mà ủy thác cho các doanh nghiệp khác nhập khẩu các chất có trong danh mục có phải làm báo cáo gửi về các cơ quan quản lý hay không; đồng thời, đề nghị cần bổ sung và đưa các mã có trong danh mục POP lên hệ thống thông tin để từ đó cho các doanh nghiệp, hải quan các cửa khẩu có thể tra cứu một cách thuận tiện…

Kết thúc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức mong muốn, thông qua Hội thảo, các doanh nghiệp có thể hiểu rõ và thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ trong việc triển khai có hiệu quả các quy định này, đáp ứng yêu cầu của Công ước Stockholm trong việc giảm thiểu các rủi ro môi trường và sức khỏe con người thông qua giảm phát thải các chất ô nhiễm khó phân hủy (bao gồm các chất POP), bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững.

Ông Hoàng Văn Thức đề nghị, bên cạnh những ý kiến tham luận tại Hội thảo, cơ quan hải quan địa phương, các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu thêm Nghị định, Thông tư để có thể thực hiện theo đúng các quy định pháp luật và nếu có những vướng mắc sẽ gửi tới các cơ quan như Tổng cục Môi trường, Tổng cục Hải quan để cùng tháo gỡ, đảm bảo các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa được thông suốt, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hướng dẫn các quy định về nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất ô nhiễm khó phân hủy
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.