(Moitruong.net.vn) – Những năm qua, UBND huyện Giang Thành (Kiên Giang) luôn chú trọng và đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo một cách đồng bộ cùng với việc triển khai nhiều kế hoạch, mô hình phát triển kinh tế hiệu quả nên nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện đã vươn lên thoát nghèo thành công.
Từ kết quả rà soát năm 2017, số hộ nghèo năm 2016 chưa đủ điều kiện thoát nghèo là 1.191 hộ, thoát nghèo 642 hộ, phát sinh mới 118 hộ; hộ nghèo từ cận nghèo chuyển sang 112 hộ. Số hộ nghèo thoát nghèo nhiều nhất tập trung ở xã Vĩnh Điều, Tân Khánh Hòa, Phú Mỹ, trong đó, tỷ lệ thoát nghèo tại xã Phú Mỹ là cao nhất trên địa bàn huyện. Số hộ nghèo về thu nhập trên địa bàn huyện theo điều tra năm 2017 là 923 hộ, giảm 471 hộ (năm 2016 là 1.394 hộ).
Để giúp bà con nông dân thuận lợi trong tiếp cận vốn vay, Ban đại diện Ngân hàng chính sách tỉnh đã chỉ đạo cho phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn để trồng trọt chăn nuôi và sản xuất kinh doanh, con em được học tập tại các trường đai học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Ngoài việc hỗ trợ về vốn, huyện rất chú trọng đến công tác hỗ trợ phát triển sản xuất như: thực hiện các dự án hỗ trợ thuộc Chương trình 135, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo và sinh hoạt kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ cho người dân, triển khai mô hình khuyến nông, theo dõi và chăm sóc dự án bò Heifer cho hộ gia đình, hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người dân trên địa bàn 05 xã với nhiều cuộc tư vấn trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí; triển khai thực hiện Đồ án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn huyện đi lao động tại địa bàn trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, huyện đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại vùng đặc biệt khó khăn về hỗ trợ đất ở và chuộc đất sản xuất, tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề và các chính sách khác theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Cùng với đó, Hội LHPN huyện xây dựng nhiều mô hình phụ nữ giúp nhau vượt khó như: mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế theo mùa vụ, mô hình trồng hoa màu, chăn nuôi gà, heo… Trong đó, mô hình đan đệm bàng giỏ bàng và thực hiện hỗ trợ hộ nghèo có chủ hộ là phụ nữ với 59 hộ được trợ giúp về vay vốn, hỗ trợ khoa học – kỹ thuật; tư vấn giới thiệu việc làm; hướng dẫn tham gia các mô hình phát triển kinh tế… có 13 hộ đã thoát nghèo.
Bên cạnh đó, các ngành, đoàn thể đã tích cực triển khai thực hiện mô hình thanh niên lập thân, lập nghiệp hướng đến giải quyết việc làm cho lực lượng thanh niên trong độ tuổi lao động chưa có việc làm; mô hình hỗ trợ hội viên hội nông dân phát triển sản xuất, hướng đến hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng suất cho người dân, giúp nhau thoát nghèo. Chính sách hỗ trợ y tế người dân vùng đặc biệt khó khăn thực hiện theo đúng quy định, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn là 100%. Khám bệnh nhân đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, cấp thuốc miễn phí 1.100 lượt người, trị giá trên 155 triệu đồng.
Trong 6 tháng cuối năm 2018, Huyện ủy – UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức kiêm tra, giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn toàn huyện; trực tiếp xuống địa bàn xã, ấp kiểm tra các chính sách hỗ trợ hộ nghèo để thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời. Cấp phát Bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 33/QĐ – TT của Thủ tướng Chính phủ, chính sách vay vốn và một số chính sách đặc thù cho người nghèo dân tộc thiểu số; quan tâm kịp thời các chính sách người có công, người nghèo và đồng bào dân tộc Khmer; xem xét hỗ trợ, vay vốn, sửa chữa nhà ở, kéo điện đến một số vùng lõm, xét cấp nền tuyến dân cư Hà Giang, thực hiện các chính sách về hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho hộ nghèo khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế…
Trương Anh Sáng