Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Người dân “khát” nước sạch, kiến nghị chấm dứt dự án chậm triển khai

Thế Đoàn|16/10/2021 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Để có nước sinh hoạt hàng ngày, người dân thôn Chợ Nga, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn phải trông chờ vào nguồn nước giếng khơi, nước mưa và số ít dùng nước giếng khoan nhưng kinh phí lớn. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra thường xuyên vào mùa khô và dịp cận Tết Nguyên đán khiến người dân khốn khổ, chưa nói đến việc hoạt động chăn nuôi, sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

VIDEO: Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Người dân “khát” nước sạch, kiến nghị chấm dứt dự án chậm triển khai

“Khát” nước sạch ngay ở Thủ đô

Xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn có khoảng 4.000 hộ dân với 15.000 người sinh sống ở 8 thôn và 2 cụm dân cư. Nguồn nước sinh hoạt chính của người dân chủ yếu dựa vào nguồn nước ngầm từ giếng khơi, nước mưa. Với hầu hết người dân ở địa phương này, có nước để sử dụng đã là “niềm hạnh phúc” lớn lao dù biết nước chưa đảm bảo vệ sinh.

Tại thôn Chợ Nga, người dân khoan giếng, nhưng không tìm được mạch nước ngầm, hoặc lượng nước quá ít, dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt thường xuyên xảy ra. Vấn đề đáng quan tâm hơn là nước ngầm ở khu vực chưa bảo đảm tiêu chuẩn, người dân phải mua nước bình về để sử dụng cho việc ăn uống.

Người dân thôn Chợ Nga, xã Thanh Xuân thiếu nước sinh hoạt nhiều năm nay

Ông Nguyễn Văn Long (thôn Chợ Nga, xã Thanh Xuân) cho biết: “Không chỉ riêng thôn Chợ Nga mà hầu hết các thôn ở địa bàn xã Thanh Xuân đều khan hiếm nước sạch. Người dân hầu như dùng nước giếng khơi và nước mưa, số ít có điều kiện mới dùng nước giếng khoan nhưng cũng phải đầu tư tốn kém, đưa nước xa mấy cây số về. Mùa mưa thì còn có nước để sinh hoạt chứ mùa khô thì phải đi mua nước, chở xe nước về tích trữ dùng dần. Hàng năm vẫn có các cơ quan về đo đạc mẫu nước ở nhà văn hóa, mẫu nước đều không đạt chuẩn và có màu lạ”.

Bà Nguyễn Thị Sinh (thôn Chợ Nga, xã Thanh Xuân) bức xúc: “Khu vực dân cư chúng tôi nước sinh hoạt rất là ít. Nhà tôi phải làm giếng khoan từ ngoài đồng về, tốn mấy chục triệu đồng. Nước về đến đây còn có màu vàng chứ không được sạch, nhà nào cũng phải mua thêm bình lọc nước mới dám sử dụng. Mà quả lọc chỉ được một tháng là lại ngả vàng luôn. Chúng tôi chỉ mong muốn Nhà nước đưa nước sạch về cho dân sử dụng, kinh phí phù hợp thì chúng tôi sẵn sàng đóng góp, chứ thiếu nước ăn uống thì quá khổ”.

Hoạt động chăn nuôi, sản xuất của người dân bị ảnh hưởng do thiếu nước

Thiếu nước sinh hoạt không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà các hoạt động chăn nuôi, sản xuất cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều chuồng trại phải bỏ trống vì người còn thiếu nước dùng huống chi là chăn nuôi. Anh Nghiêm Xuân Trường (thôn Chợ Nga, xã Thanh Xuân) cho biết: “Gia đình tôi phải đào 4 giếng khơi nhưng vào mùa khô vẫn hết sạch nước, phải bơm nước từ giếng khoan ngoài đồng về, vừa bất tiện vừa tốn nhiều tiền. Con người sử dụng nước xong thì phải tích lại để sử dụng cho chăn nuôi và cây cối. Nói chung thiếu nước sinh hoạt thì làm sao đảm bảo chăn nuôi được, chuồng trại đầu tư ra nhưng kém hiệu quả vì nước không có. Ở thôn này nhà nào cũng phải có bình tích trữ nước hoặc đi mua, đi xin nước để sử dụng”.

Nhiều hộ dân làm giếng khoan cách nhà vài cây số và phải xây bể dự trữ nước

Theo báo cáo, tính đến hết tháng 5/2021, chỉ có hơn 20% người dân huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội được sử dụng nước sạch. Gần 80% dân số các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sóc Sơn, tương đương gần 280 nghìn người phải trông chờ vào nguồn nước giếng khoang, giếng khơi, nước mưa,… để sinh hoạt và sản xuất. Nguồn nước không đảm bảo, lại thiếu hụt vào mùa khô khiến cho người dân địa phương này vô cùng khốn khổ.

Dân mòn mỏi chờ dự án chậm triển khai

Theo tìm hiểu, tại Quyết định số 3846- QĐ/UBND ngày 24-6-2017, UBND thành phố đã giao liên danh Công ty CP AQua One và Công ty CP Nước mặt sông Đuống thực hiện dự án phân phối nước sạch cho 18 xã trên địa bàn Sóc Sơn. Theo kế hoạch, hết năm 2020 hệ thống phân phối nước sạch hoàn thiện, 100% hộ dân ở Sóc Sơn sẽ được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, đến nay các đơn vị này chưa triển khai thi công dự án. Người dân thì vẫn mòn mỏi chờ đợi nước sạch.

Vì thiếu nước sinh hoạt nên cứ ở đâu phát hiện nguồn nước ngầm là người dân đến khoan giếng

Trong khi đó, nguồn nước ngầm mà người dân đang phải sử dụng lại không đạt chuẩn, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày. Ông Nghiêm Xuân Kệ (thôn Chợ Nga, xã Thanh Xuân) cho biết: “Khu vực chúng tôi thiếu thốn nước sinh hoạt nhiều năm nay, nhà đào mấy cái giếng nhưng nước không đủ dùng, nhất là mùa khô, mấy năm dịp Tết Nguyên đán còn hết nước phải đi mua nước dùng. Trước đây thấy chính quyền lấy ý kiến người dân và thông báo có dự án nước sạch nhưng bao lâu nay chưa thấy gì cả, chúng tôi vẫn mong mỏi Nhà nước quan tâm hơn, nhanh chóng đưa nước sạch về cho dân”.

Thiếu nước sinh hoạt, nhiều hộ dân phải bỏ chi phí lớn để làm giếng khoan và hệ thống ống đưa nước về nhà. Có hộ sử dụng giếng khoan từ ngoài đồng ruộng cách nhà khoảng 2km. Việc người dân khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất ở nhiều vị trí và thiết kế ống đưa nước về nhà hoàn toàn tự phát, nhưng nhiều năm nay chính quyền địa phương là UBND xã Thanh Xuân lại không có biện pháp quản lý, hướng dẫn người dân thực hiện.

Ông Chu Xuân Tân – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân thừa nhận thiếu nước sinh hoạt là vấn đề nóng ở địa phương

Trao đổi với phóng viên, ông Chu Xuân Tân – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết: “Chính vì không có đơn vị cung cấp nước sạch và thiếu nước sinh hoạt nên người dân mới phải đầu tư làm giếng khoan và dẫn đường nước thậm chí cả cây số mới về đến nhà. Do địa chất của khu vực chỉ có một số khu vực có nước ngầm nên cứ chỗ nào có nước thì người ta khoan. Địa phương đã có nhiều bài tuyên truyền cho người dân những quy định của pháp luật về khai thác, sử dụng nguồn nước. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thì có những cái địa phương chưa kiểm soát được hết vì nhu cầu dùng nước của người dân là quá lớn”.

Đại diện chính quyền xã Thanh Xuân cũng cho biết đã có văn bản kiến nghị huyện Sóc Sơn liên quan đến vấn đề này và huyện cũng đã báo cáo Thành phố. Tuy nhiên, bao giờ nước sạch về với người dân thì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Chúng ta có thể chờ chính quyền các cấp của Thành phố Hà Nội vào cuộc chỉ đạo, giải quyết vấn đề trên nhưng người dân không thể cứ mãi chờ nước sạch và hàng ngày vẫn phải sử dụng nước chưa đảm vệ sinh. Để đảm bảo đời sống, sản xuất, chăn nuôi của người dân. Kính đề nghị UBND Thành phố Hà Nội quyết liệt chỉ đạo, giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở huyện Sóc Sơn. Đồng thời xem xét, đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu và bộ máy chính quyền ở địa phương khi để người dân thiếu thốn nước sinh hoạt nhiều năm nay, gây bức xúc trong dư luận.

Tòa soạn Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin.

Thế Đoàn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Người dân “khát” nước sạch, kiến nghị chấm dứt dự án chậm triển khai