Indonesia và Malaysia đóng cửa hàng nghìn trường học do khói bụi độc hại

Ngọc Linh (t/h)|20/09/2019 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Gần 2 triệu học sinh bị ảnh hưởng trong đợt đóng cửa trường học này do khói mù độc hại phát tán từ các đám cháy rừng lớn.

Ngày 19/9, hàng nghìn trường học tại Malaysia và Indonesia phải đóng cửa do khói mù độc hại phát tán từ các đám cháy rừng lớn khiến chất lượng không khí suy giảm nghiêm trọng.

Ít nhất 1,7 triệu học sinh bị ảnh hưởng trong đợt đóng cửa trường học này.

Tại Malaysia, gần 2.500 trường học được lệnh đóng cửa trong bối cảnh khói mù dày đặc bốc lên từ các đám cháy ngoài tầm kiểm soát tại hai đảo Sumatra và Borneo của nước láng giềng Indonesia. Với gần 300 trường học tại thủ đô Kuala Lumpur phải đóng cửa, đây là đợt đóng cửa quy mô lớn đầu tiên tại thủ đô của Malaysia.

Một trường học trống trơn ở gần khu vực tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur, Malaysia hôm 18/9. Ảnh: AFP.

Quốc gia láng giềng Indonesia cũng quyết định đóng cửa hàng trăm trường học tại tỉnh Riau trên đảo Sumatra vào hôm nay, trong khi 1.300 trường khác ở tỉnh Trung Kalimantan trên đảo Borneo cũng bị đóng cửa.

Nhà chức trách Malaysia cho biết ngày càng nhiều người dân gặp các vấn đề về sức khỏe do khói mù, theo đó số lượng bệnh nhân tới khám chữa bệnh tại các bệnh viện công tăng vọt, phần lớn có biểu hiện ngứa và khô mắt.

Cùng ngày, tại Indonesia, hàng trăm trường học ở tỉnh Riau trên đảo Sumatra – nơi chịu tác động nặng nề từ các vụ cháy rừng – cũng đã phải đóng cửa. 1.300 trường khác tại tỉnh miền Trung Kalimantan trên đảo Borneo cũng nhận được chỉ thị đóng cửa.

Khói mù làm hạn chế tầm nhìn cũng đã khiến một số sân bay trên khu vực đảo Borneo thuộc Indonesia phải đóng cửa, trong khi hàng chục chuyến bay phải hủy hoặc chuyển hướng trong những ngày gần đây.

Nhà chức trách Indonesia đã nỗ lực làm mưa nhân tạo, cũng như triển khai hàng nghìn nhân viên an ninh và các máy bay thả bom nước để dập lửa.

Các vụ cháy chủ yếu xuất phát từ việc đốt rừng trái phép để phát quang đất trồng.

Trong khi đó, Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore cho biết chất lượng không khí sáng 19/9 trên Đảo quốc sư tử cũng ở mức “có hại cho sức khỏe.”

Bộ trưởng Môi trường Singapore Masagos Zulkifli gọi vấn đề này là một “bước thụt lùi lớn” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tình trạng khói mù bao phủ xảy ra hàng năm tại một số quốc gia Đông Nam Á trong mùa khô khi người dân Indonesia đốt rừng, phát quang đất để trồng cọ dầu và các loại cây trồng khác cũng như các hoạt động tại lâm trường sản xuất các nguyên liệu giấy.

Tuy nhiên, chất lượng không khí trong năm nay được coi là tồi tệ nhất kể từ năm 2015 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino gây ra tình trạng hạn hán kéo dài.

Cơ quan Giảm thiểu thiên tai Indonesia cho biết kể từ đầu năm, hơn 328.000ha rừng và đất than bùn bị đốt cháy.

Singapore sáng nay cũng thông báo chất lượng không khí “nguy hại”, trong bối cảnh quốc đảo này đang chuẩn bị cho giải đua mô tô Công thức 1 vào 22/9.

Nạn đốt rừng làm rẫy đã khiến cháy rừng trở thành hiện tượng thường niên ở Indonesia, đặc biệt là vào thời điểm khô hạn trong năm. Các nước láng giềng với quốc đảo này nhiều lần phàn nàn về khói mù từ các đám cháy gây ô nhiễm không khí, ngạt thở và nguy hại tới sức khỏe con người.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Indonesia và Malaysia đóng cửa hàng nghìn trường học do khói bụi độc hại