Kế hoạch quản lý chất lượng không khí tại Hà Nội

Minh Châu|12/04/2024 17:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Kế hoạch quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 đã đưa ra 5 mục tiêu cần đạt được như: Tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn TP thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường không khí,...

Ngày 11/4, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức Hội thảo "Kế hoạch Quản lý chất lượng môi trường không khí TP. Hà Nội - Hợp tác và Hành động" kêu gọi sự hợp tác cải thiện chất lượng không khí...

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Lưu Thị Thanh Chi – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, ngày 2/3/2024, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1142/QĐ-UBND về phê duyệt Kế hoạch quản lý CLKK TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Kế hoạch xây dựng dựa trên những quy định tại Luật BVMT năm 2020, cùng các nghiên cứu khoa học, yêu cầu phát triển của TP và kinh nghiệm thực tiễn.

Kế hoạch đã đánh giá khách quan thực trạng công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm không khí trong thời gian qua, từ các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra các nguồn gây ô nhiễm chính, các giải pháp cụ thể và toàn diện, bắt đầu từ việc rà soát chính sách, đến các hành động cụ thể. Qua đó, nhằm đạt được mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các nguồn phát thải chính là giao thông, xây dựng, công nghiệp.

“Để thực hiện hiệu quả kế hoạch này, chúng ta cần sự hợp tác chặt chẽ, đồng lòng từ tất cả các bên liên quan như: chính quyền, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế... Chúng ta cần phải có các hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa nhằm mang lại bầu không khí trong lành cho người dân Thủ đô”, bà Lưu Thị Thanh Chi nói và nhấn mạnh, đây cũng là mục tiêu mà hội thảo đề ra.

o-nhiem-khong-khi.jpg
Ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội ngày càng gia tăng.

Theo đó, Kế hoạch quản lý CLKK TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, đã đưa ra 5 mục tiêu cần đạt được.

Một là, tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn TP thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát CLKK xung quanh, cảnh báo, dự báo nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí, giảm thiểu các tác động đến kinh tế, xã hội và sức khoẻ cộng đồng.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường không khí nhằm hỗ trợ thiết lập hệ thống tổ chức, quản lý, theo dõi, đánh giá, hỗ trợ và xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo về CLKK tại các khu đô thị tập trung đông dân cư và nhiều nguồn thải trên TP Hà Nội.

Ba là, kiểm soát các nguồn phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh và đốt mở trên địa bàn TP thông qua các giải pháp về thể chế và kỹ thuật kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm không khí từ nguồn phát thải.

Bốn là, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành, giữa các tỉnh, TP trong vùng Thủ đô nhằm thực hiện những sáng kiến cải thiện CLKK trên diện rộng.

Năm là, huy động và đảm bảo các nguồn lực để thực thi hiệu quả các giải pháp cải thiện CLKK ngắn, trung và dài hạn.

Đáng chú ý, kế hoạch này đặt ra chỉ tiêu phấn đấu 75 – 80% số ngày trong năm có chỉ số CLKK (VN_AQI) ở mức tốt và trung bình. Đồng thời, duy trì và tiếp tục cải thiện các thông số SO2, NO2, CO, O3 trong môi trường không khí TP nằm trong giới hạn cho phép của QCVN05:2023/BTNMT.

Lộ trình thực hiện từ nay đến 2025 sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên bao gồm hoàn thiện thể chế chính sách, kiểm kê nguồn thải, giảm phát thải từ các nguồn thải chính (đặc biệt là nguồn phát thải từ giao thông, công nghiệp và nông nghiệp), ưu tiên các giải pháp ở khu vực nội đô nơi tập trung nhiều dân cư, giao thông và phát triển kinh tế; thiết lập cơ chế cảnh báo và ứng phó với ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Tiếp đó, giai đoạn 2025 – 2030 sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu, hệ thống quan trắc, thiết lập cơ chế phối hợp liên tỉnh, giảm phát thải đồng bộ từ các nguồn phát thải chính. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ ưu tiên theo lộ trình.

Để thực hiện được những mục tiêu trên, kế hoạch đưa ra 7 nhiệm vụ và giải pháp cần phải triển khai. Đó là: rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý CLKK; tăng cường kiểm soát phát thải từ phương tiện cơ giới tham gia giao thông; tăng cường kiểm soát phát thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp; tăng cường kiểm soát phát thải từ đốt phụ phẩm nông nghiệp, năng lượng, xây dựng và rác thải.

Thực hiện cảnh báo nguy cơ ô nhiễm không khí và hành động ứng phó với ô nhiễm không khí nghiêm trọng; tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, công nghệ và quản lý chất lượng môi trường không khí; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực, nhận thức và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng.

Các chuyên gia, nhà quản lý, diễn giả tham gia hội thảo đều đánh giá cao Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí TP Hà Nội và cho rằng, đây là bản Kế hoạch được xây dựng tỉ mỉ, công phu dựa trên những cơ sở khoa học rõ ràng, đầy đủ nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, kế hoạch đã đưa ra được những giải pháp đồng bộ để quản lý, bảo vệ và từng bước cải thiện chất lượng không khí của TP Hà Nội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Kế hoạch quản lý chất lượng không khí tại Hà Nội
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.