(Moitruong.net.vn) – Ban Đô thị – HĐND TP Hà Nội vừa có báo cáo về kết quả đợt giám sát việc thực hiện quy định pháp luật trong hoạt động thu gom và xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo đánh giá của đoàn giám sát, Thành phố đã quan tâm, tích cực triển khai quy định của pháp luật về hoạt động thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp (CCN). Với chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở: Công Thương, Tài nguyên Môi trường, Xây Dựng và các sở, ngành liên quan đã tích cực tham mưu cho UBND Thành phố ban hành kịp thời các quy định, văn bản hướng dẫn các cấp, các ngành, quận, huyện, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện. Có thể khẳng định: các quy định của Thành phố về vấn đề này khá đầy đủ, rõ ràng cả về cơ chế, chính sách, về nhiệm vụ của các cấp, các ngành, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Về đầu tư, xây dựng, Thành phố đã đầu tư xây dựng hoàn thành đồng bộ 21 trạm và hệ thống thu gom, xử lý NTTT tại các CCN trên địa bàn. Trong đó 01 cụm đã hoàn thành phần xây dựng hạ tầng kỹ thuật trạm, chưa lắp đặt công nghệ máy móc, 02 trạm đã được Thành phố phê duyệt dự án đầu tư, các địa phương đang triển khai xây dựng. Việc triển khai quy định về thu phí bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong CCN đạt kết quả nhất định: Sở Tài nguyên Môi trường đã tham mưu Thành phố ban hành quy định phân cấp về trách nhiệm, nhiệm vụ thu phí bảo vệ môi trường.
Về tồn tại, hạn chế, đoàn giám sát đánh giá, trên địa bàn Thành phố còn nhiều CCN đã hoạt động ổn định nhưng chưa được đầu tư xây dựng trạm và hệ thống thu gom xử lý NTTT (19 cụm, tỷ lệ chiếm 44,2%). Để giải quyết vấn đề này thì Thành phố đã có Đề án đầu tư xây dựng trạm và hệ thống thu gom xử lý NTTT cho 19 cụm này trong giai đoạn 2016-2020 với quan điểm huy động nguồn lực xã hội hóa, giao doanh nghiệp thực hiện đầu tư, quản lý vận hành trên cơ sở tính toán hợp lý quy mô, công suất, công nghệ hiện đại, phương án giá lấy thu bù chi hợp lý, đồng thời chuyển giao nhiệm vụ quản lý thực hiện Đề án từ sở Công thương về Sở Xây dựng, tuy nhiên việc triển khai thực hiện Đề án chậm, gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, trong 21 cụm công nghiệp đã được đầu tư đồng bộ cả trạm và hệ thống thu gom xử lý NTTT, có: 02 trạm không hoạt động (Duyên Thái, Tân Triều) máy móc hư hỏng, xuống cấp, cho thấy việc đầu tư nhưng không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí rất lớn (Ngoài trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ đầu tư, còn có trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và của huyện); 06 trạm chưa đi vào hoạt động chính thức do chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý (nghiệm thu bàn giao công trình, giấy phép xả thải, đấu nối thu gom nước thải…).
Ngoài 43 cụm công nghiệp hoạt động ổn định, trên địa bàn Thành phố hiện còn có tới 68 CCN (thực chất là các điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề) có quy mô nhỏ, trong đó nhiều cụm nằm xen kẽ hoặc gần khu dân cư đang hoạt động sản xuất nhưng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tình trạng nước thải từ các cơ sở sản xuất không được xử lý sơ bộ xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh diễn ra phổ biến, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn.
Kiểm tra thực tế tại một số CCN đã hoạt động ổn định, cũng như quy mô nhỏ cho thấy nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chấp hành không tốt, thậm trí có đơn vị chưa chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường nói chung và xử lý nước thải công nghiệp nói riêng (Không đấu nối, không có hệ thống thu gom, xử lý sơ bộ, tình trạng khói, bụi phát tán tràn lan gây ô nhiễm không khí…). 15 trạm công suất vận hành thực tế thấp hơn công suất thiết kế, đây là một hạn chế trong việc tính toán xác định lưu lượng xả thải với quy mô, công suất đầu tư hệ thống, chi phí đầu tư lớn, giá thành xử lý cao hơn.
Đoàn giám sát đề nghị các sở ngành Thành phố quan tâm thực hiện 6 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục tham mưu UBND Thành phố triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp được xác định trong chương trình 03 và 07 của Thành ủy, Kế hoạch 221 ngày 21/12/2015, kế hoạch 124 ngày 01/6/2017 của UBND Thành phố về khắc phục những tồn tại hạn chế và các giải pháp cấp bách BVMT của Thành phố, trong đó chú trọng các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại CCN, làng nghề.
Sở Công thương sớm hoàn thiện trình UBND Thành phố phê duyệt quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 xét đến năm 2030 làm cơ sở các địa phương tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng trạm và hệ thống xử lý NNTT.
Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá hiện trạng của 19 cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định thuộc Đề án đầu tư xây dựng trạm và hệ thống xử lý NTTT giai đoạn 2016-2020, Sở Xây dựng sớm tham mưu UBND Thành phố kế hoạch, phương án triển khai thực hiện Đề án theo chỉ đạo của UBND Thành phố (trong 9/2017). Đôn đốc các chủ tư 03 dự án đã được phê duyệt đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng. Tham mưu đề xuất UBND Thành phố biện pháp xử lý đối với 02 trạm đã đầu tư nhưng không vận hành đã xuống cấp. Chủ trì phối hợp các Sở Tài chính, Kế hoạch Đầu tư tham mưu UBND Thành phố Đề án giá dịch vụ thoát nước trong đó có nước thải tại CCN; cơ chế quản lý vận hành các trạm xử lý nước thải sau đầu tư.
Sở Tài nguyên Môi trường sớm hoàn thiện trình UBND Thành phố ban hành quyết định phân cấp thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp thay thế quy định cũ làm căn cứ thực hiện. Rà soát, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư trạm xử lý NTTT hoàn thiện các thủ tục pháp lý trình UBND Thành phố cấp giấy phép xả thải đối với các cụm đảm bảo đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn xả thải. Rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng thu phí bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm thu của sở để thực hiện thu đúng, thu đủ. Tham mưu UBND Thành phố có chỉ đạo đối với các chủ đầu tư CCN thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động.
UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động CCN, phát hiện kịp thời, có biện pháp ngăn chặn xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về xả thải. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thành phố về thu phí bảo vệ môi trường.
Theo HNP