Khách sạn Rue De L'amour hoạt động khi chưa có Giấy phép môi trường: Lỗ hổng trong quản lý và bài học cho công tác bảo vệ môi trường đô thị
Trong tiến trình xây dựng đô thị hiện đại, xanh và bền vững, Hà Nội đang yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là khách sạn, nhà hàng, tòa nhà văn phòng, tuân thủ nghiêm quy định bảo vệ môi trường. Dù nhiều đơn vị đã thực hiện tốt, vẫn còn những vi phạm đáng lo ngại, điển hình như Khách sạn Rue De L’amour (35B-35C-37 Phan Đình Phùng, Ba Đình) đi vào hoạt động khi chưa được cấp Giấy phép môi trường.
Thực trạng trên cho thấy cần siết chặt quản lý và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực môi trường. Bài viết "Khách sạn Rue De L'amour hoạt động khi chưa có Giấy phép môi trường: Lỗ hổng trong quản lý và bài học cho công tác bảo vệ môi trường đô thị" thuộc chuyên đề "Những bất cập và giải pháp xử lý nước thải trong hoạt động kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, tòa nhà văn phòng" tập trung phân tích thực trạng xử lý nước thải trong các hoạt động này tại thành phố Hà Nội hiện nay còn một số tồn tại, từ đó đưa ra các giải pháp cải thiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển bền vững cho thành phố.
Nhiều đơn vị chấp hành đúng quy định, nhưng vẫn còn “kẽ hở” trong thực hiện pháp luật môi trường
Thời gian qua, công tác quản lý môi trường trong hoạt động kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, tòa nhà văn phòng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều cơ sở dịch vụ lưu trú và nhà hàng lớn đã thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường, trong đó bao gồm việc lập hồ sơ môi trường, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải, đảm bảo an toàn môi trường trong quá trình hoạt động.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân xung quanh. Một trong những trường hợp điển hình là Khách sạn Rue De L’amour, do Công ty TNHH V Enterprises làm chủ đầu tư, có địa chỉ tại 35B-35C-37 Phan Đình Phùng, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội.
Khách sạn Rue De L’amour có quy mô 8 tầng nổi, 2 tầng hầm, với 57 phòng lưu trú, đã chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2024. Tuy nhiên, theo xác nhận của UBND phường Quán Thánh, đến thời điểm hiện tại, khách sạn này vẫn chưa có Giấy phép môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ.
Ngày 14/5/2025, PV Moitruong.net.vn đã có buổi làm việc với UBND phường Quán Thánh. Trao đổi với PV, ông Cao Hợp Thanh – Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: “Qua kiểm tra, phường ghi nhận khách sạn Rue De L’amour chưa xuất trình được Giấy phép môi trường. Phường đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường”.

Tại biên bản kiểm tra ngày 9/5/2025 của UBND phường Quán Thánh có nêu: Cơ sở có bố trí hệ thống xử lý nước thải tại tầng hầm B2; tại tầng hầm B1 của khách sạn là khu vực bếp đun nấu có bố trí hệ thống xử lý tách lọc mỡ; đồng thời cơ sở cung cấp Hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - chi nhánh Ba Đình của năm 2025.
Tuy nhiên, về quy định Luật bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ- CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, cơ sở kinh doanh dịch vụ khách sạn Rue De L’amour tại địa chỉ 35B- 35C-37 Phan Đình Phùng, phường Quán Thánh thuộc đối tượng phải lập hồ sơ xin cấp Giấy phép môi trường theo quy định, thủ tục nộp hồ sơ tại UBND quận Ba Đình. Vậy UBND phường Quán Thánh hướng dẫn và đề nghị cơ sở kinh doanh khách sạn Rue De L’amour - Công ty TNHH V Enterprises khẩn trương hoàn thiện hồ sơ gửi cơ quan chức năng có thẩm quyền để được cấp Giấy phép môi trường theo quy định pháp luật.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, một trong những điều kiện bắt buộc để cơ sở kinh doanh dịch vụ, trong đó có khách sạn, được phép đi vào hoạt động là phải có Giấy phép môi trường hợp pháp. Giấy phép này không chỉ là cơ sở pháp lý để đánh giá việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, mà còn là cam kết của chủ đầu tư trong việc vận hành đúng các hệ thống xử lý nước thải, khí thải và quản lý chất thải rắn theo tiêu chuẩn quy định.
Tuy nhiên, khi một khách sạn như Rue De L’amour chưa có giấy phép môi trường nhưng đã đi vào hoạt động, câu hỏi đặt ra là: Hệ thống xử lý nước thải tại khách sạn này hoạt động ra sao? Có đảm bảo được yêu cầu về chất lượng và an toàn môi trường hay không?.
Thực tế, có những trường hợp đi vào hoạt động khi chưa có Giấy phép môi trường, đồng nghĩa với việc các hệ thống xử lý nước thải có thể chưa được nghiệm thu, chưa có đánh giá chất lượng theo quy định. Điều này tạo ra nguy cơ trực tiếp về việc thải ra môi trường những dòng nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý không đạt chuẩn, gây ô nhiễm nguồn nước mặt, hệ thống thoát nước đô thị và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Đặc biệt, tại các khu vực đô thị trung tâm như Ba Đình, nơi mật độ dân cư cao, hệ thống hạ tầng thoát nước có giới hạn, việc để một cơ sở dịch vụ lưu trú hoạt động thiếu kiểm soát về môi trường là vấn đề rất nghiêm trọng, cần được khẩn trương kiểm tra và xử lý.
Theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cơ sở hoạt động dịch vụ lưu trú có quy mô như trên thuộc diện phải lập hồ sơ cấp Giấy phép môi trường, và phải thực hiện thủ tục tại UBND cấp quận – cụ thể là UBND quận Ba Đình. Việc khách sạn đi vào vận hành mà không có giấy phép môi trường không chỉ vi phạm quy định pháp luật mà còn khiến dư luận và người dân lo ngại về vấn đề xả thải, chất lượng môi trường xung quanh khu vực dân cư đông đúc.
Về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ, tại Điều 14 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, trường hợp cơ sở, dự án đầu tư đang triển khai xây dựng/đang hoạt động mà không có giấy phép môi trường sẽ bị xử phạt, mức phạt có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, tùy theo quy mô và tính chất của vi phạm.
Cần tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp
Việc khách sạn Rue De L’amour không có giấy phép môi trường khi đi vào hoạt động đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, lưu trú, nhất là tại các quận trung tâm như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy – nơi tập trung nhiều khách sạn, nhà hàng, văn phòng cho thuê.
Từ thực tiễn này, có thể thấy rằng để tăng cường hiệu quả quản lý môi trường trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, trước hết cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ tại các cơ sở lưu trú, đặc biệt là các công trình mới đi vào hoạt động nhằm kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Đồng thời, chính quyền các cấp nên công khai thông tin về các cơ sở chưa tuân thủ quy định môi trường trên các phương tiện truyền thông hoặc cổng thông tin điện tử để tạo sức ép từ dư luận và khuyến khích sự minh bạch. Song song với đó, việc tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về bảo vệ môi trường cho các chủ đầu tư, chủ cơ sở dịch vụ cũng cần được đẩy mạnh, giúp họ hiểu rõ trách nhiệm pháp lý và nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động. Quan trọng hơn cả, các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm hoặc chây ỳ không khắc phục sai phạm, bao gồm cả việc đình chỉ hoạt động nếu cần thiết, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và ngăn ngừa các hành vi vi phạm tương tự trong tương lai.
Luật Bảo vệ môi trường không phải là một quy định mang tính hình thức - đó là hàng rào pháp lý nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài của từng doanh nghiệp cũng như cả cộng đồng. Sự việc tại Khách sạn Rue De L’amour không thể bị xem nhẹ, bởi nó thể hiện một phần thực trạng còn tồn tại trong công tác quản lý môi trường tại các đô thị lớn.
Hà Nội đang hướng tới một đô thị thông minh, xanh – sạch – đẹp và văn minh. Những điểm đen về môi trường như vậy cần sớm được chấn chỉnh để không phá vỡ nỗ lực chung của toàn thành phố và cộng đồng doanh nghiệp chân chính.
Việc khách sạn Rue De L’amour hoạt động khi chưa có Giấy phép môi trường là một lời cảnh tỉnh trong công tác quản lý môi trường tại đô thị lớn như Hà Nội. Việc xử lý nghiêm minh không chỉ giúp chấn chỉnh các sai phạm hiện tại, mà còn tạo tiền đề cho những chuyển biến tích cực trong thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, góp phần hình thành một nền kinh doanh dịch vụ gắn với phát triển xanh và bền vững.