Mặc dù chưa bước vào cao điểm hạn hán năm 2020 nhưng hiện hệ thống hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã xuống mức thấp, chỉ đạt trung bình 58% so với tổng dung tích thiết kế. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Khánh Hòa, trên địa bàn hiện có 19 hồ chứa nước lớn với dung tích thiết kế gần 250 triệu m3.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, dung tích các hồ chứa này hiện chỉ đạt 143 triệu m3, thấp hơn rất nhiều so với cùng thời điểm năm 2019 (đạt 226,8 triệu m3); trong đó, nhiều hồ chứa có dung tích cao như hồ Đá Bàn, Suối Dầu, Cam Ranh, Suối Hành… chỉ đạt tỷ lệ 39-50% so với dung tích toàn bộ.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 31 hồ chứa (28 hồ thủy lợi và 3 hồ thủy điện), có 18 hồ chứa lớn thuộc quản lý, vận hành của Công ty Thủy lợi Khánh Hòa. Theo đơn vị quản lý, các hồ chứa nước đã được kiểm tra, đảm bảo vận hành trong mùa mưa lũ năm 2019. Theo đó, 18 hồ chứa mà công ty quản lý có tổng dung tích thiết kế gần 213 triệu m3. Công ty đã tiến hành lập phương án ứng phó thiên tai, đảm bảo an toàn đập cho từng hồ chứa, thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ”; các vật tư phòng, chống lụt bão như: rọ đá, đá hộc, bao tải, cát… đã được tập kết tại từng hồ để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra.
Diễn biến phức tạp trong mùa mưa bão những năm gần đây đã để lại hậu quả nặng nề ở nhiều địa phương trong tỉnh. Để chủ động ứng phó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa phải thực hiện việc kiểm tra, sửa chữa kịp thời các hạng mục công trình bị hư hỏng xuống cấp; theo dõi diễn biến thời tiết, tính toán lưu lượng nước về hồ để tích nước, điều tiết lũ hợp lý. Đặc biệt, trong quá trình điều tiết lũ cần phối hợp tốt với các địa phương vùng hạ du để kịp thời cảnh báo, chủ động di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Do đó, các vùng không có khả năng tưới tiêu cần chuyển đổi mùa vụ hoặc dừng sản xuất để tránh thiệt hại do hạn hán. Các vùng chủ động nguồn nước cần tiến hành gieo sạ tập trung, áp dụng biện pháp thâm canh cao cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Minh Anh (t/h)