Khánh Hòa: Phục hồi san hô tại khu vực Hòn Mun và vịnh Nha Trang

Hoàng Anh|09/11/2022 09:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 8/11, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030. Mục tiêu của kế hoạch nhằm phục hồi được các hệ sinh thái rạn san hô đã bị suy thoái ở khu vực biển Hòn Mun và trong vịnh Nha Trang.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, Vịnh Nha Trang là thành viên thứ 29 của Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới, chứa đựng các giá trị toàn cầu và quốc gia khi được xếp vào khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam và là một trong 16 khu bảo tồn biển quốc gia phải được bảo vệ hiệu quả.

Thời gian qua, môi trường Vịnh Nha Trang nói chung, rạn san hô tại khu vực biển Hòn Mun nói riêng có biểu hiện suy thoái do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan và chủ quan.

san-ho.jpg
Rạn san hô sẽ được khoanh vùng bảo vệ.

Do đó, việc giữ gìn và phục hồi rạn san hô trong Vịnh Nha Trang, bao gồm khu vực biển Hòn Mun là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp thiết, vừa lâu dài của tỉnh Khánh Hòa nói chung và thành phố Nha Trang nói riêng.

Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 có 16 nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, thiết thực với hiện trạng vịnh Nha Trang và khu bảo tồn biển Hòn Mun cùng các điều kiện để thực hiện.

Trong đó, có những giải pháp đáng chú ý, như: Tạm dừng các hoạt động du lịch lặn biển, có nguy cơ gây hại đến môi trường và rạn san hô ở các địa điểm rạn san hô bị suy thoái nghiêm trọng tại đảo Hòn Mun và các địa điểm khác (nếu có) trong vịnh Nha Trang; Di chuyển hoạt động lưới đăng ra khỏi khu vực bảo vệ nghiêm ngặt tại phía nam Hòn Mun; Tạm thời giữ nguyên diện tích và tăng cường kiểm soát hoạt động nuôi trồng thủy sản hiện có trên vịnh Nha Trang.

Còn để phục hồi san hô đã bị suy thoái ở Hòn Mun và vịnh Nha Trang, co quan hữu quan sẽ khảo sát, đánh giá nhanh rạn san hô tại các địa điểm du lịch lặn biển quanh đảo Hòn Mun, các vùng lõi khác trong vịnh để xác định mức độ và nguyên nhân suy thoái.

Đồng thời, sẽ tiến hành làm sạch môi trường khu vực biển Hòn Mun, loại bỏ rác thải nhựa trong rạn san hô, sắp xếp các cành vụn gãy của san hô để san hô có cơ hội tự phục hồi và thực hiện giải pháp kỹ thuật phục hồi phù hợp đối với rạn san hô ở các khu vực biển vừa nêu.

Kế hoạch còn có giải giáp hỗ trợ phục hồi và bảo tồn rùa biển trong Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang và vùng biển lân cận, nhằm góp phần thực hiện Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển giai đoạn 2016-2025 của Việt Nam.

Một trong các việc cụ thể để thực hiện mục tiêu đó tại vịnh Nha Trang là sẽ khảo sát khu vực bãi biển nơi rùa đã từng lên đẻ ở các đảo; xây dựng các phương án giữ gìn, bảo vệ bãi đẻ hiện có, đặc biệt là tại khu vực đảo Hòn Tre.

Tỉnh sẽ mời Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) chủ trì thực hiện kê hoạch phục hồi và bảo tồn rùa biển tại vịnh Nha Trang và sẽ mời Cơ quan Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) tại Hà Nội là nhà tài trợ chính để thực hiện kế hoạch “Quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa trong khu bảo tồn biển hướng tới phát triển kinh tế biển xanh tại vịnh Nha Trang”.

Về giải pháp tạo “sinh kế bền vững” cho cộng đồng dân cư gắn với bảo tồn rạn san hô khu vực Hòn Mun, cùng với việc nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý hệ sinh thái rạn san hô và sẽ phân công trách nhiệm quản lý, giám sát, bảo vệ rạn san hô cho cộng đồng cư dân tại tổ dân phố trên đảo Bích Đầm. Thử nghiệm mô hình phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đảo xanh, sạch, văn minh, từng bước chuyển nghề cho ngư dân ở đảo Bích Đầm.

Một giải pháp mới cũng đáng quan tâm, theo kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang, đó là “thiết lập và thử nghiệm phương thức quản trị công tư khu vực sinh thái biển quốc tế trong vịnh Nha Trang”.

Cụ thể, sau khi xác định, lập “Khu vực sinh thái biển quốc tế trong vịnh Nha Trang” và xây dựng cơ chế (thử nghiệm) hợp tác công tư trong quản trị, quản lý khu vực này, tỉnh sẽ mời Công ty cổ phần Vinpearl ký kết thỏa thuận hợp tác công tư, thực hiện phương thức quản trị mới theo cơ chế thử nghiệm đó.

Ngoài ra, còn có rất nhiều giải pháp cụ thể khác theo kế hoạch đã nêu, tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND TP Nha Trang, Ban quản lý Vịnh Nha Trang, các cơ quan của tỉnh, phối hợp với các quan, tổ chức trung ương để triển khai thực hiện phục hồi vịnh Nha Trang.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc phục hồi Vịnh Nha Trang và rạn san hô ở khu vực biển Hòn Mun đòi hỏi phải huy động được các nguồn lực khác nhau; sự phối hợp của các ban, ngành trong tỉnh; sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương; sự chung tay của các doanh nghiệp cũng như người dân; sự đồng hành của các tổ chức khoa học trong và ngoài nước.

Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch tổng thể phục hồi Vịnh Nha Trang đến năm 2030, mục đích nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với Vịnh Nha Trang thông qua thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, liên cơ quan với sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng liên quan.

Đồng thời, phục hồi được hệ sinh thái rạn san hô đã bị suy thoái ở khu vực biển Hòn Mun và trong Vịnh Nha Trang; huy động được các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư sống trong và lân cận địa bàn quản lý Vịnh Nha Trang tham gia giám sát, bảo vệ cũng như bảo tồn rạn san hô trong vịnh gắn với phát triển sinh kế bền vững và các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường, được kiểm soát nghiêm ngặt...

Song song đó là nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Quản lý Vịnh Nha Trang; thử nghiệm mô hình quản trị công tư theo hướng xã hội hóa trong quản lý, sử dụng và bảo tồn Vịnh Nha Trang.

Kế hoạch cũng hướng đến việc nâng cao nhận thức, kiến thức về cách ứng xử thân thiện với môi trường Vịnh Nha Trang cho cộng đồng, doanh nghiệp, du khách và người dân.

Cùng với đó, là xây dựng được cơ chế tạo nguồn tài chính lâu bền theo hướng kết hợp ngân sách nhà nước với huy động tối đa nguồn ngân sách đóng góp từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có khai thác, sử dụng Vịnh Nha Trang, từ các nhà tài trợ trong nước và quốc tế cùng các nguồn xã hội hóa khác.

Hiện UBND TP Nha Trang yêu cầu dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong vùng vịnh Nha Trang, đặc biệt là ở Hòn Mun. Đồng thời, khoanh vùng bảo vệ những khu vực nhạy cảm, đang có dấu hiệu phục hồi các hệ sinh thái (điển hình là rạn san hô và bãi giống, bãi đẻ) của vịnh Nha Trang.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khánh Hòa: Phục hồi san hô tại khu vực Hòn Mun và vịnh Nha Trang