Do tính chất giữ nhiệt cao nên khí metan cũng là một trong những loại khí nhà kính điển hình góp phần lớn làm cho Trái đất nóng lên, mặc dù chúng không chiếm tỷ lệ lớn hay tồn tại lâu trong bầu khí quyển như carbon. Những hình ảnh mới nhất của vệ tinh hiện đại đã cảnh báo về mức độ ô nhiễm trầm trọng ngày càng tăng của khí metan trên khắp toàn cầu.
Theo đo đạc ban đầu của MethaneSAT - một vệ tinh tiên tiến được thiết kế để đo đạc mức độ ô nhiễm khí metan trên phạm vi toàn thế giới nhằm mục đích chống biến đổi khí hậu, ngành dầu khí đang phát thải với tốc độ trung bình cao hơn từ 3 - 5 lần so với ước tính của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (Environmental Protection Agency - EPA). Với đà tăng này, phát thải của ngành dầu khí còn tăng cao hơn trong tương lai.
Ông Ritesh Gautam, nhà khoa học cấp cao của MethaneSAT cho biết, hệ thống đo đạc và thống kê tổng thể của vệ tinh có độ chính xác rất cao và hoàn toàn khớp với những số liệu nghiên cứu trước đây. Theo ông Ritesh Gautam, để phát hiện ra từng vụ rò rỉ khí metan là rất khó, nhưng khi quan sát trên phạm vi tổng thể, số lượng vụ ô nhiễm metan có thể lên tới hàng nghìn.
Từ lâu, ô nhiễm khí metan đã bị đánh giá thấp và chưa được hiểu đúng và rõ ràng. Trên thực tế, khí metan có khả năng giữ nhiệt cao gấp 80 lần so với carbon và tồn tại khoảng 20 năm trong bầu khí quyển. Chứa tới 90% là khí metan nên việc khai thác và sử dụng khí đốt tự nhiên cho sản xuất điện đã khiến cho mức độ ô nhiễm khí metan càng ngày càng trở nên trầm trọng
Những báo cáo sơ bộ của MethaneSAT đưa ra thông tin hơn nửa triệu giếng khoan dầu của Mỹ đã thải ra 50% lượng khí metan ô nhiễm của ngành. Là một trong những nơi sản xuất dầu khí nhiều nhất thế giới, lưu vực Permian, phía Tây Nam nước Mỹ đang rò rỉ khí metan với tốc độ gần 640.000 pound/ giờ, tương đương gấp 9 - 14,5 lần so với giới hạn cho phép. Lưu vực Appalachia của miền Đông Mỹ cũng đang rò rỉ khí metan với tốc độ gấp 4 lần so với giới hạn cho phép. Tại lưu vực Uinta, bang Utah, nước này còn gây kinh hoàng hơn với tốc độ rò rỉ cao gấp 45 lần so với giới hạn.
Vệ tinh MethaneSAT cũng thu thập dữ liệu tại hai quốc gia dầu mỏ lớn khác là Turkmenistan và Venezuela. Khu vực miền Nam Caspi ở Turkmenistan được đánh là là điểm nóng ô nhiễm khí metan nhất thế giới. Nơi đây đang thải ra khí metan với tốc độ 970 nghìn pound/ giờ, cao hơn 1,5 lần so với lưu vực Permian của Mỹ.
Theo ông Antoine Halff, nhà phân tích chính của tổ chức giám sát môi trường Kayrros, mặc dù đã nỗ lực giảm khí phát thải nhưng Turkmenistan vẫn là quốc gia có cường độ khí thải metan cao dầu khí cao nhất thế giới. Điều này là do cơ sở hạ tầng tại quốc gia này đã cũ kỹ, một số còn được xây dựng từ thời Liên Xô cũ. Những thiết bị xuống cấp sẽ có xu hướng rò rỉ khí thải nhiều hơn.
Một điểm nóng khác về rò rỉ khí metan là Venezuela - quốc gia Nam Mỹ có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Tại đây, việc thu thập khí metan rất khó khăn do nước này gần vùng nhiệt đới thường xuyên có mây.