Hậu Giang sẵn sàng các phương án ứng phó với biến đổi khí hậu

Hoàng Thơ |04/12/2024 09:04
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Rút kinh nghiệm từ những đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử, Hậu Giang đã chủ động, linh hoạt hơn trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu và bước đầu đạt được kết quả khả quan.

Mùa khô 2023 - 2024, thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài, nguồn nước trên các sông, kênh, rạch khô cạn, nước mặn từ biển Tây và biển Đông xâm nhập một số khu vực trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, độ mặn đo được tại một số khu vực có thời điểm lên đến 13,5%, vùng chịu ảnh hưởng của hạn, mặn lên đến 110.000ha.

Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, đợt hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua không gây thiệt hại về diện tích cây trồng của người dân, còn về nguồn nước sinh hoạt vẫn luôn được đảm bảo ngay cả trong những ngày nắng nóng gay gắt, độ mặn tại một số khu vực sông, kênh rạch lên cao.

0025.png
Hậu Giang sẵn sàng các phương án ứng phó với biến đổi khí hậu

Để có được kết quả này, các cơ quan, đơn vị, địa phương tỉnh Hậu Giang đã luôn chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm ứng phó, thích ứng hiệu quả với BĐKH.

Trong đó, tỉnh Hậu Giang tập trung theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan chức năng để có kế hoạch bố trí lịch thời vụ xuống giống né hạn hán, xâm nhập mặn; thực hiện nạo vét kênh rạch, xây dựng hồ để lưu chứa nước.

Đầu tư hệ thống đê bao, cống ngăn mặn tại những khu vực trọng yếu; xây dựng các tuyến đê kè kiên cố và tăng cường trồng cây ven các sông, kênh rạch để hạn chế sạt lở; quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao và phù hợp với sinh thái nguồn nước ngọt, mặn, lợ; khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi mô hình trồng trọt, nuôi thủy sản để thích ứng với BĐKH.

Rút kinh nghiệm từ những đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử, người dân Hậu Giang cũng đã chủ động, linh hoạt hơn trong ứng phó, thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở thông qua việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, chọn các loại cây chịu mặn, ít sử dụng nước để sản xuất, tận dụng nguồn nước mặn để thả nuôi thủy sản, trang bị lu, kiệu tích trữ nước phục vụ sinh hoạt, trồng cây xanh, dùng tre, dừa... làm bờ kè sinh thái.

Cụ thể, tại huyện Long Mỹ - vùng đất thường xuyên bị xâm nhập mặn từ biển Tây gây rất nhiều khó khăn cho quá trình canh tác lúa, cây màu cũng như nguồn nước ngọt sinh hoạt của người dân. Để giúp người dân thích ứng với xâm nhập mặn, đảm bảo thu nhập, trong khoảng 4 năm trở lại đây, huyện Long Mỹ đã mạnh dạn chuyển đổi hàng chục ha đất chuyên canh lúa sang mô hình lúa - tôm hoặc trồng cây màu ngắn ngày, qua đó không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn thích ứng tốt với hạn hán, xâm nhập mặn.

Tính lũy kế đến nay, huyện Long Mỹ đã có gần 100 hộ dân thực hiện mô hình tôm - lúa với tổng diện tích 117ha; đồng thời, hàng trăm ha đất trồng lúa đã chuyển qua trồng cây màu ngắn ngày như dưa lê, đậu bắp, mướp hương, bầu, bí.

Lãnh đạo UBND huyện Long Mỹ cho biết, để thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, thời gian tới, huyện Long Mỹ sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình lúa - tôm theo hướng mặn đến đâu thì hỗ trợ, hướng dẫn người dân mở rộng diện tích nuôi đến đó; chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả do ảnh hưởng bởi hạn, mặn sang trồng cây màu đảm bảo thu nhập cho người dân; đồng thời huyện cũng sẽ tăng cường điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, quy trình, kỹ thuật trồng trọt nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, huyện Long Mỹ cũng sẽ tập trung triển khai thực hiện phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo quy hoạch của tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình, dự án nhằm nâng cao năng lực ứng phó BĐKH trên địa bàn huyện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hậu Giang sẵn sàng các phương án ứng phó với biến đổi khí hậu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.