Khôi phục cảnh quan vùng đất ngập nước rừng tràm Trà Sư ở An Giang

Hoàng Linh|22/09/2023 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Dự án nhằm tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của thiên nhiên trước tác động của biến đổi khí hậu thông qua bảo tồn rừng và phục hồi đa dạng sinh học.

Sở NN-PTNT An Giang vừa phối hợp với WWF khởi động dự án khôi phục các vùng đất ngập nước ở ĐBSCL, thông qua các biện pháp phục hồi rừng tràm đặc dụng và phòng hộ tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư thuộc thị xã Tịnh Biên (An Giang).

Dự án sẽ tập trung vào nghiên cứu và thực hiện các giải pháp sinh kế dựa vào thiên nhiên, có khả năng mở rộng và đầu tư quy mô lớn trên toàn vùng thượng lưu ĐBSCL. Qua đó góp phần đạt mục tiêu chung về bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái nước ngọt Việt Nam, đồng thời đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư địa phương.

Rừng tràm Trà Sư, tỉnh An Giang, nằm trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, được công nhận là Khu bảo vệ cảnh quan từ năm 2005. Với 845 ha diện tích vùng lõi được bảo tồn và hơn 1.100 ha vùng đệm, khu vực này hàng năm trực tiếp nhận nước lũ từ sông Mekong vào mùa mưa, giúp duy trì chế độ ngập - khô theo mùa của một vùng đất ngập nước tự nhiên.

rung-tram-tra-su-1.jpg
Rừng tràm Trà Sư, tỉnh An Giang, nằm trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, được công nhận là Khu bảo vệ cảnh quan từ năm 2005

Các sinh cảnh chính của rừng tràm Trà Sư là rừng tràm, đầm lầy và đồng cỏ. Hệ thực vật ở rừng tràm Trà Sư đa dạng với 140 loài, nổi bật nhất là cây tràm và thảm bèo giăng kín mặt nước. Hệ động vật ở đây cũng khá phong phú, với ít nhất 70 loài chim được ghi nhận, trong đó có 2 loài được ghi tên trong sách đỏ Việt Nam là Giang Sen và Điên Điển (chim cổ rắn), 11 loài động vật có vú bao gồm dơi quý hiếm và ít nhất 25 loài bò sát và ếch nhái. Ngoài ra, rừng tràm Trà Sư còn là nơi trú ngụ quanh năm của 10 loài cá bản địa và 13 loài cá di cư vào mùa lũ, trong đó có 2 loài cá đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng là cá còm và cá trê trắng.

Dự án Thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm khôi phục các vùng đất ngập nước và các quá trình tự nhiên của ĐBSCL, sẽ tập trung vào nghiên cứu và thực hiện các giải pháp sinh kế dựa vào thiên nhiên được WWF và Sở NN-PTNT An Giang xây dựng và thực hiện với sự tài trợ của Tập đoàn Industria De Diseno Textil, SA (gọi tắt là Inditex) của Tây Ban Nha. Với mong muốn tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của thiên nhiên trước các tác động của biến đổi khí hậu thông qua bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học ở các vùng đất ngập nước và phát triển các mô hình sinh kế dựa vào thiên nhiên ở vùng thượng của ĐBSCL.

Ông Văn Ngọc Thịnh, Trưởng Đại diện của WWF-Việt Nam chia sẻ: Dự án sẽ tập trung vào nghiên cứu và thực hiện các giải pháp sinh kế dựa vào thiên nhiên được triển khai từ ngày 1/8/2023 đến 31/12/2025 nhằm bảo vệ và phục hồi các sinh cảnh đất ngập nước và các chu trình tự nhiên của đồng bằng như dòng chảy tự do, tích tụ và bồi lắng phù sa ở vùng đệm, thông qua thực hiện các hoạt động triển khai ở trong và xung quanh rừng tràm Trà Sư ở tỉnh An Giang.

Cụ thể, dự án sẽ hỗ trợ Ban quản lý rừng tràm Trà Sư trồng mới 60 ha rừng và nuôi dưỡng 100 ha rừng suy thoái, khôi phục các sinh cảnh và các loài bản địa thông qua các chiến lược quản lý, điều tiết thủy văn phù hợp, hiệu quả cho từng tiểu khu, bảo vệ và giám sát đa dạng sinh học trong vùng lõi. Bên ngoài vùng đệm, các mô hình sinh kế dựa vào lũ sẽ được triển khai để đem lại lợi ích kinh tế, môi trường và sự ủng hộ của người dân địa phương.

Dự án cũng xây dựng và thử nghiệm các giải pháp sinh kế dựa trên thiên nhiên có tiềm năng mở rộng, có tính khả thi cho đầu tư quy mô lớn trên toàn vùng thượng của ĐBSCL. Các bài học kinh nghiệm sẽ được tổng hợp để chia sẻ và mở rộng việc khôi phục các sinh cảnh đất ngập nước và các chu trình tự nhiên.

Những mô hình sinh kế dựa vào lũ, thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường ở An Giang và các tỉnh đầu nguồn ĐBSCL như Đồng Tháp, Long An… sẽ được hệ thống hóa để nhân rộng ra những khu vực có điều kiện tự nhiên phù hợp và có sự tham gia của người dân, kết nối với thị trường và các chuỗi cung ứng bền vững. Đây sẽ là tiền đề để thu hút các nguồn lực của toàn xã hội tham gia thúc đẩy phát triển các mô hình sinh kế phù hợp với từng vùng sinh thái trên toàn vùng thượng của ĐBSCL.

rung-tram-tra-su.jpg
Vẻ đẹp tuyệt tác của rừng tràm Trà Sư

Theo ông Nguyễn Đức Duy, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, vùng đất ngập nước có vai trò rất lớn đối với con người và thiên nhiên bởi nó có thể lọc các chất độc hại, lưu trữ carbon giúp chống lại các tác động của biến đổi khí hậu, giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực trong điều kiện thời tiết cực đoan, lưu trữ nước mưa, nước chảy tràn khi mưa bão giúp giảm lũ lụt và hỗ trợ cấp nước khi hạn hán; đảm bảo đa dạng sinh học là môi trường sống của hàng ngàn loài sinh vật; đảm bảo nguồn cung cấp thức ăn và tạo nên các nguồn sinh kế cho người dân.

Nằm ở thượng nguồn ĐBSCL, Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư là một sinh cảnh tự nhiên đa dạng sinh học cao, hỗ trợ các loài động thực vật bản địa và là một điểm du lịch sinh thái phổ biến nên cần được bảo vệ. Bên cạnh đó, rừng tràm Trà Sư đón hơn 30.000 lượt khách hàng năm, mang lại nguồn thu nhập bổ sung cho cộng đồng địa phương.

Hệ sinh thái đất ngập nước và vùng đệm của Trà Sư cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì các dòng nước động và theo mùa, quan trọng đối với việc quản lý nước và lửa trong mùa khô nhằm hạn chế sự chia cắt môi trường sống.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khôi phục cảnh quan vùng đất ngập nước rừng tràm Trà Sư ở An Giang