Khu tập thể cũ Hà Nội – Bài 1: Xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh môi trường

Thế Đoàn|31/07/2020 01:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đó là thực trạng bất cập của hầu hết các khu tập thể cũ đã xuống cấp, thậm chí xuống cấp nghiêm trọng ở mức báo động trên địa bàn TP Hà Nội. Những khu tập thể này đang trở thành mối nguy hiểm đe dọa tính mạng của người dân, đồng thời cũng đặt ra “bài toán” cho các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương.

Xem VIDEO: Khu tập thể cũ Hà Nội xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh môi trường

Sống chung với xuống cấp, ô nhiễm

Theo ghi nhận của phóng viên Moitruong.net.vn tại một số khu tập thể cũ như Thành Công (Ba Đình), Tân Mai (Hoàng Mai), Thuốc lá Thăng Long (Thanh Xuân), Giảng Võ (Ba Đình), Nghĩa Tân (Cầu Giấy)… đều xuất hiện tình trạng xuống cấp về cơ sở hạ tầng vì chủ yếu được xây dựng từ cuối thế kỷ trước.

Các khu tập thể ở Hà Nội đã xuống cấp về cơ sở hạ tầng

Hầu hết hệ thống xử lý nước thải của những khu tập thể này đều không đáp ứng được tiêu chuẩn, nước thải cứ thế xả thẳng ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm nghiêm trọng. Hàng quán bán đồ ăn “mọc lên như nấm” lấn chiếm khu vực vỉa hè và không gian tầng 1. Rác thải tập kết bừa bãi ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Nước thải không được xử lý tập trung mà xả thẳng ra cống thoát nước

Chị Nguyễn Thị Thu Hà – Khu tập thể Tân Mai, quận Hoàng Mai chia sẻ: Tình trạng xuống cấp đã trở thành nỗi “ám ảnh” đối với các hộ dân sinh sống tại đây. Nhiều hộ gia đình làm ăn khá giả, có điều kiện đã chuyển đi, để lại phòng trống mà không ai dám đến ở vì mức độ xuống cấp quá nghiêm trọng. Những hộ dân như chúng tôi, dù muốn chuyển đi nhưng điều kiện không cho phép nên đành “sống chung với lũ”.

Trần nhà cũng bị bong tróc từng mảng bê tông, gây nguy hiểm cho người dân

Tình trạng sập xệ, xuống cấp tại khu tập thể Thuốc lá Thăng Long, quận Thanh Xuân thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Cảnh người dân phải xếp hàng để đi vệ sinh đã không còn xa lạ đối với cư dân ở đây. Cô Nguyễn Thị Lan – Nhà A, khu tập thể Thuốc lá Thăng Long chia sẻ: Khu tập thể này xây dựng từ những năm 1958 – 1960, mỗi tầng có 39 nhà nhưng chỉ có 10 nhà vệ sinh thôi. Hiện nay cơ sở hạ tầng đã sập xệ, xuống cấp hết rồi, nhà vệ sinh thì hôi hám, bẩn thỉu. Tường vữa bong tróc rơi xuống cả tảng nhưng vẫn phải sống thôi, không chuyển đi đâu được. Mong sao Nhà nước quan tâm, có giải pháp giúp cho người dân chúng tôi.

Người dân khu tập thể Thuốc lá Thăng Long vẫn phải dùng chung nhà vệ sinh hôi hám

Người dân không di dời, chờ đền bù giá cao

Sống trong căn nhà tập thể đã xuống cấp, bị xếp vào một trong những công trình có mức độ nguy hiểm nhưng gia đình ông L.V.H vẫn bám trụ tại khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình). Ông H giải thích: Chúng tôi sinh sống tại đây suốt mấy chục năm qua, con cháu cũng đang theo học các trường quanh đây, nếu phải di chuyển thì không biết giải quyết những vấn đề này thế nào. Các cơ quan chức năng về nói là xuống cấp nghiêm trọng nhưng điều kiện kinh tế chưa đủ thì chưa thể chuyển đi đâu được.

Mặc dù các khu nhà tập thể cũ đã xuống cấp nhưng người dân vẫn bám trụ, không di dời đi nơi khác

Bà N.T.Q người dân sống tại khu tập thể C8 Giảng Võ (quận Ba Đình) thì chia sẻ: Nhiều hộ dân ở đây không đồng ý phương án đền bù của chủ đầu tư, ai cũng mong muốn sau khi cải tạo xong thì được chuyển về đây ở nhưng chưa thể thỏa thuận được với chủ đầu tư. Có hộ dân thì đồng ý nhận tiền đền bù chuyển đi rồi nhưng cũng có nhiều hộ không đồng ý thì vẫn bám trụ lại.

Chính vì những nguyên nhân kể trên, khiến việc cải tạo các khu tập thể cũ nát ở Hà Nội trở nên khó khăn hơn. Từ năm này qua năm khác, mức độ xuống cấp càng nghiêm trọng. Đã đến lúc, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng liên quan của Thành phố Hà Nội phải vào cuộc, tìm phương án giải quyết “bài toán” xuống cấp tại các khu nhà tập thể trên địa bàn, tránh để xảy ra sự cố nghiêm trọng.

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin trong những bài tiếp theo.

Thế Đoàn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Khu tập thể cũ Hà Nội – Bài 1: Xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh môi trường