Kiên Giang: Khuyến khích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Trương Anh Sáng|31/10/2019 10:45
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở quy mô cục bộ, thu hoạch, bảo quản và chế biến lạc hậu nên chất lượng sản phẩm còn thấp.

Ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ còn khá yếu.

Trong những năm qua, tỉnh chỉ có thế mạnh trong ứng dụng công nghệ cao đối với một số cây trồng vật nuôi đặt thù như: tôm, lúa và một số loại giống thủy sản khác. Các lĩnh vực còn lại việc ứng dụng, chuyển giao KH&CN còn khá yếu, nhất là trong lĩnh vực phòng, trừ dịch bệnh, tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp; bảo quản, chế biến nông thủy sản; phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp.

Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở quy mô cục bộ, một số vùng sản xuất hoặc mô hình điển hình chưa đều khắp, phủ trên diện rộng của từng địa phương; chưa đóng vai trò định hướng, tiên phong cho hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của các địa phương.

Công nghệ trồng, thu hoạch, bảo quản và chế biến còn lạc hậu, chất lượng sản phẩm còn thấp, khối lượng nhiều nhưng tỷ lệ sản phẩm làm hàng hoá còn thấp; chưa có đầu tư toàn diện cho phát triển sản xuất một số mặt hàng chủ lực và chủng loại còn dàn trải. Tính liên kết trong sản xuất, kinh doanh chưa bảo đảm tạo ra sức mạnh tổng hợp cũng như chưa bảo đảm mối liên hệ sản xuất giữa các ngành, các khâu trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp còn nhiều bất cập, lỏng lẻo, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, thuốc thú y, thủy sản,…vẫn còn tiếp diễn, là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiêp đến chỉ tiêu chất lượng sản phẩm và đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do chưa có những chính sách ưu tiên để phát triển nông nghiệp công nghệ cao nói chung và nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nói riêng. Tiềm lực và năng lực ứng dụng, chuyển giao KH&CN và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh vẫn còn rất hạn chế.

Đồng thời có rất ít doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp hầu như chưa có; chưa hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; không có các chủ thể đóng vai trò tiên phong, đầu tàu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, sự sản xuất phân tán, nhỏ lẻ nên sản phẩm khó xâm nhập vào các siêu thị. Các vùng sản xuất tập trung triển khai chậm, quy mô nhỏ, chưa ổn định, chưa có chính sách đầu tư phù hợp, đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong nông nghiệp công nghệ cao.

Điều kiện tự nhiên, khí hậu, thời tiết, đất đai, vị trí địa lý… và các điều kiện về hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật, thị trường tiêu thụ không thuận lợi. Đất đai diện tích nhỏ lẻ, phân tán, nguồn vốn đầu tư ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế trong khi thị trường đầu ra cho các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao còn chưa thực sự hình thành cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng sản phẩm còn thấp.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 của tỉnh xác định quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông – lâm – thủy sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Đổi mới tư duy, tiếp cận thị trường, kết hợp ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, nhân lực được đào tạo, thích ứng với biển đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái để khai thác có hiệu quả, lợi thế và điều kiện tự nhiên của tỉnh.

Phải gắn kết chặt chẽ với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm mục tiêu hình thành các vùng sản xuất tập trung mang tính hàng hoá cao. Gắn chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn, điều chỉnh dân cư cùng với nguồn nhân lực được đào tạo đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Phải có hệ thống chính sách đảm bảo huy động cao các nguồn lực xã hội, trước hết là đất đai, lao động và kêu gọi các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (doanh nghiệp FDI) làm đầu tàu đầu tư vào ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm phát huy sức mạnh hội nhập quốc tế.

Xem hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học – công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 là bước đột phá trong quá trình phát triển của tỉnh nhà. Ủy ban nhân dân tỉnh tạo môi trường thuận lợi cho ngành nông nghiệp công nghệ cao phát triển ổn định và bền vững với cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật, sản xuất giống chất lượng cao, xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm, sản xuất các sản phẩm phụ trợ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Cần xác định nông dân đóng vai trò quan trọng trong việc nhận thức về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, do đó cần phải có mối liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các nhà khoa học – doanh nghiệp – tài chính trong xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tiếp cận, làm chủ các công nghệ cao trong nông nghiệp có thể ứng dụng vào điều kiện cụ thể của tỉnh nhằm từng bước sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp hàng hoá ứng dụng công nghệ cao.

Phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả và tính bền vững của nền nông nghiệp. Giá trị sản lượng trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 trung bình phải đạt từ 130 triệu đồng trở lên. Lựa chọn, chuyển giao, nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp có hiệu quả từ các địa phương khác trong cả nước để triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại tỉnh.

Chuyển dịch cơ cấu loại hình nhiệm vụ theo hướng giảm các nhiệm vụ nghiên cứu và tăng các nhiệm vụ chuyển giao và nhân rộng kết quả nghiên cứu công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại các địa phương trong tỉnh nhằm đẩy mạnh ứng dụng trên diện rộng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm hàng hoá có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao. Lựa chọn, xác định để tập trung đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của tỉnh.

Mô hình canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu

Đơn giản hoá tối đa các bước tiếp cận chính sách để nhà đầu tư có thể dễ dàng tham gia, tạo ra những chuyển biến tích cực về môi trường kinh doanh để các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng ưu thế lai và công nghệ gen để tạo ra các giống cây trồng mới; phục tráng, chọn lọc nhằm đa dạng hóa nguồn giống và lựa chọn được bộ giống cây trồng chính (lúa, dừa, cây ăn quả, rau màu..) phù hợp với điều kiện tự nhiên đặc thù của tỉnh, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu xảy ra thường xuyên, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ sinh sản, đặc biệt là công nghệ tế bào động vật trong môi trường đông lạnh tinh, phôi và cấy chuyển hợp tử, thụ tinh ống nghiệm; hợp tác với các đơn vị khoa học và công nghệ có năng lực để áp dụng phương pháp chỉ thị phân từ, công nghệ gen trong chọn, tạo các giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao. Tập trung nghiên cứu kết hợp phương pháp truyền thống với công nghệ gen để chọn, tạo một số đối tượng giống thuỷ sản có tốc độ sinh trưởng nhanh, sạch bệnh, chất lượng cao.

Tập trung nghiên cứu lựa chọn các công nghệ sử dụng nước tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp kết hợp với công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp, quy trình công nghệ sản xuất cây trồng an toàn theo VietGAP hoặc GlobalGAP phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của tỉnh phục vụ đạt hiệu quả mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 12 khu sản xuất rau an toàn công nghệ cao với tổng diện tích 18.142 ha, địa bàn canh tác rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tập trung quanh các đô thị, khu du lịch như thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên, huyện đảo Phú Quốc, huyện Châu Thành.

Xây dựng một số mô hình ứng dụng quy trình công nghệ, tổng hợp và tự động hoá quá trình chăn nuôi quy mô công nghiệp, chăn nuôi tập trung gắn liền với đồng cỏ, có sử dụng hệ thống chuồng kín, hệ thống điều hoà nhiệt độ, ẩm độ phù hợp, hệ thống phân phối và định lượng thức ăn tại chuồng. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 02 vùng chăn nuôi bò, nuôi heo công nghệ cao với tổng đàn khoảng 548.000 con, trong đó: 540.000 con heo và 8.000 trâu, bò.

Nghiên cứu phát triển quy trình công nghệ nuôi thâm canh; nghiên cứu xử lý môi trường nuôi tôm; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quy trình nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học; nghiên cứu thử nghiệm quy trình công nghệ nuôi tự động kiểm soát môi trường đối với một số loài thuỷ sản. Hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).

Trương Anh Sáng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Kiên Giang: Khuyến khích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.