MOITRUONG.NET.VN – Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, đến đầu tháng 10/2018 các địa phương đã gia cố hơn 600 km bờ bao, đắp 236 đập ngăn lũ và đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ các đoạn bờ bao xung yếu để kịp thời bồi trúc, gia cố đảm bảo an toàn. Tổng kinh phí thực hiện 53 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 18 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 35 tỷ đồng.
>>>Liên hoan Guitar Quốc tế Alma Hà Nội lần thứ 2
>>>Bạc Liêu: Khánh thành nhà máy xử lý nước nuôi tôm hiện đại nhất Việt Nam
Mực nước ở các trạm nội đồng tại Kiên Giang có xu hướng giảm dần. (Ảnh: TTXVN)
Cùng với đó, các địa phương vùng lũ tập trung thu hoạch những trà lúa Hè Thu chín và sắp chín tại các khu vực mà hệ thống đê bao, bờ bao chưa đảm bảo ở huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất để tránh thiệt hại do lũ gây ra. Tiếp đến, hai lực lượng quân đội và bộ đội biên phòng tỉnh hỗ trợ các địa phương gia cố, tôn cao trên 23 km bờ bao, đắp gần 100 đập ngăn lũ bảo vệ sản xuất.
Hiện nay, mực nước ở các trạm nội đồng trong tỉnh có xu hướng giảm dần. Đến ngày 4/10, tại Vĩnh Điều (Giang Thành) ở mức 2,15m (giảm 2cm so với mức đạt cao nhất ngày 24/9); tại Tri Tôn (Hòn Đất) ở mức 1,25m; tại Tân Hiệp ở mức 1,14m (giảm 2cm so với mức đạt cao nhất ngày 22/9). Các huyện trong vùng Tứ giác Long Xuyên (Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Rạch Giá) đã thu hoạch được 116.278ha/148.975ha lúa hè thu, còn lại 32.697ha sẽ thu hoạch xong trong khoảng giữa tháng 10 (một số ít diện tích sử dụng giống lúa Nhật dài ngày sẽ thu hoạch vào cuối tháng 10); các huyện vùng Tây sông Hậu đã thu hoạch được 97,3% diện tích và dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm trong khoảng đầu tháng 10. Vụ lúa Thu Đông, đã thu hoạch được 6.222/73.942ha; các diện tích còn lại đều nằm trong đê bao và dự kiến thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 11.
Đối với dân sinh, mùa lũ năm nay đến thời điểm này chưa ảnh hưởng, tác động đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Các điểm trường học, trụ sở cơ quan, công trình công cộng, nhà dân đều ở các cụm, tuyến dân cư vượt lũ an toàn, không bị ngập nước, hệ thống giao thông nông thôn đảm bảo việc đi lại cho nhân dân trong mùa mưa lũ và mọi sinh hoạt trong đời sống nhân dân, cộng đồng xã hội diễn ra bình thường. Các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên đã triển khai 17 chốt cứu hộ, cứu nạn tại những nơi xung yếu; dự phòng phương án di dời dân, các điểm giữ trẻ tập trung… để sẵn sàng chủ động triển khai khi có lũ lớn hơn dự báo và những diễn biến bất thường của mùa mưa lũ có thể xảy ra.
Tỉnh Kiên Giang kiến nghị, các bộ, ngành chức năng Trung ương tăng cường dự báo, cảnh báo lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, nhất là dự báo dài hạn để kịp thời cung cấp cho các địa phương chủ động bố trí sản xuất, chủ động ứng phó hiệu quả. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ Kiên Giang đầu tư xây dựng phát triển đồng bộ các tuyến đê bao, bờ bao chống lũ ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu để đảm bảo và ổn định sản xuất an toàn, bền vững, hiệu quả.
Quốc Tuấn