Kiên Giang: Tập trung thực hiện 4 khâu đột phá trong phát triển kinh tế biển Việt Nam

Quốc Tuấn|23/02/2019 05:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

– Tỉnh Kiên Giang tập trung 4 khâu đột phá trong phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là “Xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế; Khai thác thủy sản theo hướng bền vững, đi đôi với tập trung đẩy mạnh nuôi trồng ven biển, tận dụng tối đa lợi thế nuôi biển; Phát triển mạnh các đô thị đảo và ven biển và phát triển kinh tế hàng hải”.

>>> An Giang: Sạt lở kéo dài 50 mét, gây thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng

>>> Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung: Tôn vinh tình yêu đẹp

Bộ đội biên phòng Kiên Giang tuyên truyền về chủ quyền biển đảo đến ngư dân

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09-02-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, kinh tế biển của tỉnh Kiên Giang có bước phát triển khá toàn diện, đến nay chiếm 73,82% GRDP toàn tỉnh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tỉnh tập trung phát triển khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sản lượng khai thác hằng năm từ 500.000-600.000 tấn. Nuôi trồng thủy sản vùng ven biển phát triển khá nhanh và đa dạng; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 217.000 tấn/năm.

Nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm về giao thông, thủy lợi, điện, nước, cảng biển, sân bay, đường hành lang ven biển, khu neo đậu tàu thuyền, trường học, trạm y tế cho các xã ven biển, hải đảo và phát triển du lịch vùng ven biển, hải đảo được đầu tư; một số dự án du lịch quy mô lớn hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng phục vụ du khách,… qua đó, du lịch biển có bước phát triển khá mạnh. Các chính sách an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện còn 4,14%. Chăm sóc sức khỏe nhân dân được triển khai đến tận các xã ven biển, hải đảo. Quốc phòng an ninh được giữ vững, bảo vệ tốt an ninh chủ quyền biên giới, biển đảo và các địa bàn trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Bến cập tàu cao tốc Hòn Tre

Phấn đấu đến năm 2030, kinh tế biển chiếm 80% GRDP toàn tỉnh, thu nhập bình quân đầu người của các huyện, thành phố ven biển gấp 1,5 lần so với mức bình quân của tỉnh; cơ cấu kinh tế phi nông nghiệp chiếm trên 80% tổng GRDP. Thu hút khách du lịch tăng 30-50% so với năm 2020, xuất khẩu thủy sản tăng bình quân 10%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2045, Kiên Giang trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, theo hướng bền vững, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế cả nước.

Tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư hạ tầng cho du lịch, nhất là các vùng du lịch trọng điểm, du lịch biển đảo, ven biển như: Phú Quốc, Kiên Hải, Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất. Tập trung xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế. Tổ chức lập quy hoạch và xây dựng dự án nuôi trồng thủy sản tỉnh Kiên Giang theo hướng nuôi biển, ven biển, quanh các đảo và vùng ven bờ, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển, đảo. Chuyển mạnh nuôi trồng hải sản theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường biển; thu hút đầu tư sản xuất giống chất lượng cao, khỏe mạnh, kháng bệnh, đồng thời nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng công nghệ nuôi biển hiện đại ở vùng khơi. Xây dựng các đội tàu mạnh khai thác xa bờ và khai thác viễn dương theo chương trình hợp tác của Chính phủ, đi đôi với sắp xếp, cơ cấu lại nghề cá ven bờ; ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp. Đầu tư các khu neo đậu trú bão tại các địa phương trọng điểm nghề cá. Xây dựng trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang gắn với ngư trường biển Tây Nam tại huyện An Biên.

Tiếp đến, tỉnh khẩn trương quy hoạch, xây dựng, tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển, cảng chuyên dùng; hạ tầng phát triển dịch vụ logictics tại tỉnh (sau năm 2025). Tập trung phát triển cảng Hòn Chông-Kiên Lương; cảng nước sâu Nam Du; cảng tổng hợp Bãi Đất Đỏ và kho ngoại quan; cảng biển Vịnh Đầm; cảng hành khách quốc tế Dương Đông-Phú Quốc, cảng hành khách Rạch Giá; cảng Bãi Nò-Hà Tiên, cụm cảng Hà Tiên, Kiên Lương. Hoàn thành xây dựng các tuyến giao thông kết nối vùng kinh tế biển với các trục giao thông trọng điểm quốc gia và các tỉnh trong vùng biển và ven biển phía Tây như: tuyến đường Lộ Tẻ-Rạch Sỏi; tuyến Kênh Cụt-Tắc Cậu, Rạch Giá-Hòn Đất, Hòn Đất-Kiên Lương, tuyến đường hành lang ven biển phía Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Kiên Giang; các tuyến đường Quốc lộ 80, 61, 63, N1, Tỉnh lộ để tạo hành lang kết nối với khu vực kinh tế biển.

Tỉnh tập trung khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển khác gắn đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí với điều tra, khảo sát; đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển sâu đặc biệt là khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị kinh tế cao. Nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu kết hợp hài hòa  bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Cùng với đó, tập trung xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư vào 03 khu công nghiệp: Thạnh Lộc-Châu Thành, Thuận Yên-Hà Tiên và phát triển khu công nghiệp Xẻo Rô-An Biên; hình thành các cụm công nghiệp: Vĩnh Hòa Hưng Nam, Lình Huỳnh, Bắc Vĩnh Hiệp, Hà Giang và một số cụm công nghiệp ở những nơi có điều kiện. Xây dựng đảo Phú Quốc trở thành thành phố du lịch biển-đảo tầm cỡ quốc gia và khu vực.

Hình thành và phát triển các đô thị ở Kiên Hải nhằm thúc đẩy phát triển vùng hải đảo thông qua đó gắn kết với phát triển vùng đất liền. Xây dựng thành phố Rạch Giá là một trong 4 đô thị của vùng kinh tế trọng điểm thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, là trung tâm thương mại đầu mối cấp vùng; trung tâm kinh tế biển. Xây dựng thành phố Hà Tiên trở thành đô thị kinh tế cửa khẩu quốc tế, trung tâm văn hóa-du lịch lớn của tỉnh và khu vực. Xây dựng huyện Kiên Lương là đô thị-công nghiệp có quy mô lớn và hiện đại; trung tâm du lịch cấp tỉnh.

Ưu tiên đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng an ninh. Quan tâm phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển; quy hoạch và phát triển vùng nuôi chim yến. Tập trung các ngành kinh tế biển mới nổi: Năng lượng tái tạo từ biển, khai thác mỏ dưới đáy biển, công nghệ sinh học biển, an toàn và giám sát hàng hải, dịch vụ và sản phẩm biển công nghệ cao, các ngành kinh tế biển khác.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của chính quyền các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự quản lý của chính quyền trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp về phát triển bền vững kinh tế biển. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng biển và ven biển phía Tây Nam Bộ (Cà Mau-Tiền Giang-Kiên Giang) trong xây dựng các mục tiêu, định hướng phát triển để bảo đảm phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bảo đảm tính liên kết vùng và giữa các địa phương. Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đối với vùng biển, đảo, trước hết là nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển.

Thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu lao động của các ngành kinh tế biển và việc chuyển đổi nghề của người dân; bảo đảm người dân ở vùng biển có cuộc sống, thu nhập ổn định. Giữ gìn, khôi phục và phát huy những hoạt động lễ hội truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư vùng biển, đảo; chú trọng phát triển các thiết chế văn hóa cho cộng đồng dân cư vùng biển, đảo; phát huy bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc, tri thức ứng xử với biển, tạo nền tảng để xây dựng văn hóa biển.

Bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư vùng ven biển, trên đảo và những người lao động trên biển. Nâng cao nhận thức về biển và đại dương, xây dựng ý thức, lối sống, hành vi văn hóa gắn bó, thân thiện, bảo vệ môi trường biển. Bảo đảm quyền tiếp cận, tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với biển một cách công bằng, bình đẳng. Tiếp tục xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội kết hợp với bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng biển, đảo của tỉnh; triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm bảo vệ thống nhất vững chắc các quyền và lợi ích quốc gia trên vùng biển, đảo; củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân khu vực biển; bảo đảm năng lực xử lý tốt các tình huống trên biển, đảo.

Quốc Tuấn

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Tập trung thực hiện 4 khâu đột phá trong phát triển kinh tế biển Việt Nam