Trước tình hình dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu giảm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thành trong khu vực, gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu chỉ đạo, xử lý dứt điểm, không để xảy ra tình trạng vứt xác lợn từ thượng nguồn sông, kênh, rạch, thông thương giữa các tỉnh hoặc khu vực ven biển, giáp ranh.
Cùng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y giám sát, phối hợp kịp thời, đảm bảo yêu cầu, quy trình chuyên môn để xử lý, tiêu hủy xác lợn trôi trên sông, kênh, rạch. Đồng thời, tái kiểm tra hố chôn lợn trong thời gian qua, phối hợp chính quyền địa phương, ngành tài nguyên và môi trường xử lý hố chôn hủy không đảm bảo, không để phát tán mầm bệnh và ô nhiễm môi trường.
Các huyện, thành phố giao công an của địa phương chủ trì, phối hợp cơ quan chuyên môn và chính quyền cấp xã, người dân theo dõi, điều tra bắt và xử lý nghiêm theo quy định trường hợp vứt xác lợn chết, lợn bệnh, nghi mắc bệnh và động vật khác ra môi trường làm ô nhiễm, lây lan dịch bệnh.
Các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã tuyên truyền tác hại bệnh dịch tả lợn Châu phi, chính sách hỗ trợ thiệt hại khi có lợn bị tiêu hủy đến các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức. Vận động hộ chăn nuôi khai báo cơ quan, đơn vị chức năng, chính quyền địa phương khi có vật nuôi bệnh, chết, không bán chạy hoặc vứt xác vật nuôi bị chết ra môi trường.
Ảnh minh họa
Các lực lượng được huy động để kịp thời thu gom xác lợn vứt ra môi trường, tiêu hủy đúng quy định, không đùn đẩy trách nhiệm giữa các địa bàn giáp ranh; vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, dụng cụ, phương tiện vận chuyển xác lợn được tăng cường, hạn chế thấp nhất việc rơi vãi chất thải, nước trên đường vận chuyển đi tiêu hủy.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tình trạng vứt xác lợn xuống biển, sông, rạch thời gian gần đây tại một số địa phương không những gây bức xúc trong dư luận xã hội mà còn là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, phát tán, lây lan mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi, chính quyền địa phương tốn kém chi phí để trục vớt, chôn lấp, tiêu hủy.
Các địa phương phát hiện nhiều xác lợn trôi sông như: Thành phố Rạch Giá, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Hòn Đất… Nguyên nhân của tình trạng này do thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh, chính sách hỗ trợ thiệt hại chưa sâu rộng trong hộ chăn nuôi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, đến đầu tháng 10/2019, dịch tả lợn Châu phi xuất hiện tại 15/15 huyện, thành phố trong tỉnh, với 3.227 ổ dịch xảy ra trên địa bàn 123 xã, phường, thị trấn. Một số địa phương tái phát dịch sau hơn 30 ngày xảy ra ổ dịch bệnh đầu tiên như: Tân Hiệp, Hòn Đất, Châu Thành, Giồng Riềng…
Tổng số lợn đã tiêu hủy hơn 42.200 con, tương đương 12,5% tổng đàn, trọng lượng hơn 2.640 tấn. Dự kiến, tỉnh chi hỗ trợ thiệt hại cho hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy theo quy định trên 75 tỷ đồng.
Hương Thảo (T/h)