Môi trường xã hội

Kon Tum: Đồng bào dân tộc thiểu số dệt thổ cẩm đón xuân

Vi Giang 27/01/2025 10:30

Trước thềm Tết đến Xuân về, nhiều chị em phụ nữ trong các làng, xã đã bắt đầu đưa khung ra dệt thổ cẩm, chuẩn bị cho gia đình những bộ cánh mới…

Kon Tum là một tỉnh miền núi có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số khác nhau sinh sống như: Bahnar, J’Rai, Xơ Đăng, Gié Triêng… Với sắc màu dân tộc đa dạng, mỗi đồng bào có một nghề văn hóa đặc trưng riêng gắn liền với lịch sử, cần được bảo tồn và duy trì. Một trong số đó là nghề dệt thổ cẩm. Thật may mắn, nhiều chị em, phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiểu được giá trị này và đang tích cực phát huy, duy trì nghề dệt thổ cẩm để phát triển kinh tế cũng như gìn giữ văn hóa của dân tộc mình.

Thực tế cho thấy, đa số nghệ nhân, người biết làm nghề truyền thống tuổi đã cao, người có tay nghề giỏi ngày càng khan hiếm, việc truyền nghề cho thế hệ kế cận hạn chế. Vì vậy, bên cạnh ý thức của mỗi đồng bào dân tộc, tỉnh Kon Tum cũng có phương án nhằm động viên, khích lệ và giữ gìn giá trị truyền thống đó thông qua Nghị quyết số 08-NQ/ TU về “Bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

z6255374311891_b18f76a6018c9e64edb3eaf59b0a839b(1).jpg
Nghệ nhân Y Rua (66 tuổi, thôn Đăk Vek, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà) đang tỉ mỉ se từng sợi thổ cẩm trên khung cửi của mình

Bên mái nhà sàn, nghệ nhân Y Rua (66 tuổi, thôn Đăk Vek, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà) đang tỉ mỉ se từng sợi thổ cẩm trên khung cửi của mình. Bà Y Rua cho biết, sau những ngày lên nương rẫy trồng trọt, phụ nữ Xơ Đăng ở xã Đăk Pxi thường tranh thủ lúc nông nhàn hay mưa gió để đưa khung ra dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc. Trong xu thế hòa nhập hiện nay, trang phục truyền thống không được giới trẻ ưa chuộng nhiều, tuy nhiên các bà, các mẹ vẫn tỉ mẩn miệt mài phơi sợi, dệt vải, nhuộm chàm… làm từng bộ quần áo, chiếc khăn, vỏ chăn với mong muốn lưu giữ nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống dân tộc.

Bà Y Rua cho biết thêm: Tết đến là dịp để chị em phụ nữ trong thôn khoác lên mình những bộ áo mới. Địa phương có nghề dệt thổ cẩm là văn hóa đáng tự hào, Tết của dân tộc thì phải mang trên mình đặc sắc văn hóa của dân tộc. Chị em thôn Đăk Ver đang tích cực dệt vải để đón xuân và tham gia lễ hội sau Tết.

Hay bà Y Maih ở làng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) chia sẻ: Cùng với sự trưởng thành của bản thân, mỗi cô gái dân tộc Bahnah đều phải biết đến xe tơ, dệt vải, may trang phục truyền thống cho mình và người trong gia đình. Mỗi một năm mới đến, các cô gái trong gia đình thường cố gắng dệt ít nhất 1-2 bộ trang phục bởi đây là cơ hội để người Bahnah có thể diện lên mình trang phục truyền thống hoặc làm quà tặng cho người thân. Hơn thế nữa, việc dệt vải là một trong những “thước đo” cho sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ dân tộc Bahnah.

Điều đặc sắc, mỗi tấm thổ cẩm đều mang trong nó một câu chuyện ý nghĩa. Ở đó, có thể là câu chuyện về sự tích lập làng, tình yêu đôi lứa; hay có thể gửi gắm ước mơ, khát vọng của con người đến thần linh về cuộc sống hạnh phúc, ấm no.

Mùa xuân là mùa của lễ hội, trang phục thổ cẩm của người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum có xu hướng được ưa chuộng nhiều hơn. Không chỉ người dân tộc thiểu số mới khoác lên mình sắc màu thổ cẩm của họ, mà người dân tộc Kinh cũng sắm cho mình những bộ cánh này để chụp hình du xuân, làm quà kỷ niệm cho người thân ở xa hay tham gia hàng loạt các trò chơi ở lễ hội trong Tết như: Múa hát cồng chiêng, kéo co, múa sạp…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Kon Tum: Đồng bào dân tộc thiểu số dệt thổ cẩm đón xuân
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.