Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan đơn vị có liên quan kịp thời có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại.
Đồng thời, nghiên cứu, tham vấn, trao đổi kinh nghiệm tổ chức trồng và chăm sóc cây Sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam để có giải pháp hướng dẫn người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sâm Ngọc Linh ở Kon Tum bị nhiễm bệnh
Ngoài ra, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, phương pháp trồng và chăm sóc cây Sâm Ngọc Linh để người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện có hiệu quả.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo UBND huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei quản lý chặt chẽ nguồn gốc giống Sâm Ngọc Linh đảm bảo và an toàn với dịch bệnh. Không để tình trạng mua bán giống Sâm Ngọc Linh không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng xảy ra trên địa bàn, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Trước đó, hàng loạt Sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông bị thiệt hại do sâu bệnh và mưa đá.
Cụ thể, số lượng cây bị thiệt hại do sâu bệnh hại là 29.143 cây. Trong đó xã Măng Ri là 20.168 cây, xã Tê Xăng là 1.900 cây, xã Ngọk Lây là 7.075 cây.
Riêng số lượng cây bị chết, ảnh hưởng do mưa đá là 652 cây. Trong đó xã Măng Ri là 639 cây, xã Đăk Sao là 13 cây.
Hoàng Anh