Tháng 6/1911, Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp tàu buôn đô đốc Latusơ Tơrêvin (Latouche Tréville) của Pháp, rời Việt Nam tìm đường cứu nước, qua Pháp, Hoa Kì, Anh; cuối 1917, trở lại Pháp. Gia nhập Đảng Xã hội Pháp (1919). Thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, với tên Nguyễn Ái Quốc, gửi đến Hội nghị Vecxay (Versailles) bản Yêu sách đòi Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và bình đẳng của nhân dân Việt Nam (1919).
Năm 1920, tại Đại hội Tua (Tours) của Đảng Xã hội Pháp, Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Tham gia thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa (1921); xuất bản báo “Le Paria” “Người cùng khổ” ở Pháp (1922).
Đến năm 1923, được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân. Năm 1924, tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản; cán bộ Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Năm 1925, tại Trung Quốc, tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức; thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Quảng Châu với tổ chức nòng cốt là Cộng sản đoàn, đào tạo cán bộ và truyền bá chủ nghĩa Mac – Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; xuất bản tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925), báo “Thanh niên” (1926), “Đường kách mệnh” (1927).
Ngày 5/6/1911, từ bến Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, ra đi trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville để thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân, thoát khỏi ách áp bức của thực dân, phong kiến, thoát khỏi bần cùng, lạc hậu.
Mùa xuân năm 1941, sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài, rời xa Tổ quốc, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày 19/5/1941, giữa núi rừng Pắc Bó, theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Việt Minh ra đời giữa lúc nhân dân Việt Nam đang trong cảnh một cổ hai tròng, vận mệnh dân tộc đang trong cảnh nước sôi lửa bỏng.
Với một quyết tâm được xác định rõ trong chương trình của mình “làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do”, Mặt trận Việt Minh đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Sự thành lập và hoạt động của Việt Minh đã trở thành nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945. Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhà nước công – nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; chứng minh sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện.
Tháng 12-1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chi Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu ngày 7-5-1954. Thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Genève năm 1954 đã chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thời kỳ từ năm 1954 đến năm 1975, Đảng ta lãnh đạo nhân dân ta tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đối với cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, giành nhiều thắng lợi vẻ vang. Đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” và các cuộc tập kích bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ vào miền Bắc.
Với cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc và là một sự kiện có tầm quốc tế và có tính chất thời đại sâu sắc, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử nước ta-kỷ nguyên một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Từ đó đến nay, Đảng ta tiếp tục phát triển tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới được bổ sung và phát triển ngày càng hoàn thiện.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau 35 năm đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, với thế và lực ngày càng mạnh hơn bao giờ hết. Kinh tế phát triển, chính trị – xã hội ổn định; văn hóa – xã hội có bước phát triển, quốc phòng, an ninh được tăng cường. Đảng và Nhà nước ta không ngừng quan tâm, đầu tư mọi nguồn lực cho phát triển văn hoá – xã hội; đưa đến nhiều chuyển biến trong cải thiện đời sống tinh thần nhân dân.
Hướng về kỷ niệm110 năm Người đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2021) chuyến đi lịch sử đã mở ra con đường giải phóng dân tộc, mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam, chúng ta càng tự hào về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại. Mỗi người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện kiên định sáng tạo con đường Bác Hồ đã chọn, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nguyễn Văn Thanh