Tin tức - Sự kiện

Lâm Đồng: Khoa học và công nghệ trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Bình Minh 15:07 01/10/2024

Phát triển tiềm năng và thế mạnh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ không chỉ dừng lại ở việc duy trì bản sắc địa phương ở tỉnh Lâm Đồng…

Ngày 1/10, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa bàn tỉnh là nơi sinh sống lâu đời của 4 dân tộc bản địa K’Ho, Mạ, Churu, M’Nông và 47 dân tộc anh em từ mọi miền đất nước về đây lập nghiệp. Sự phong phú, độc đáo trong phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, kỹ thuật canh tác, văn hóa nghệ thuật dân gian, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống của các dân tộc anh em hội tụ đã làm cho vùng đất Lâm Đồng trở nên giàu bản sắc.

Thời gian vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số của Lâm Đồng. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã tập trung nghiên cứu như: Bảo tồn các làng nghề truyền thống của dân tộc bản địa; bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống, phục hồi và phát huy giá trị hoa văn trang trí của các dân tộc bản địa; ứng dụng công nghệ 4.0 để hỗ trợ quản lý, bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị của các hiện vật, di tích, bảo tàng… Với sự phong phú, độc đáo về văn hóa của cộng đồng các dân tộc, kết quả các nghiên cứu đạt được đã trở thành một trong những nội lực quan trọng cho quảng bá du lịch địa phương.

Theo đó, các đề tài “Nghiên cứu thực trạng nghề thủ công của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” đã cho thấy một số dân tộc bản địa Mạ, K’Ho, Churu, M’Nông, S’tiêng đang duy trì sản xuất các nghề thủ công gồm: Nghề dệt thổ cẩm, làm gốm, nhẫn bạc, rượu cần, nghề đan lát mây tre, nghề rèn. Đề tài đã đưa ra các kiến nghị để phát triển các nghề thủ công truyền thống; xây dựng cơ chế, chính sách giúp người dân tộc tổ chức các mô hình sản xuất thủ công phù hợp; đào tạo, bồi dưỡng chủ cơ sở sản xuất thủ công là người dân tộc; đầu tư dự án nghiên cứu, khôi phục, bảo tồn bí quyết nhuộm sợi dệt thổ cẩm bằng lá cây; hỗ trợ thành lập cơ sở sản xuất nhẫn bạc; hình thành tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh thổ cẩm, xây dựng mô hình thôn buôn làm nghề dệt thổ cẩm, làm gốm, làm nhẫn bạc gắn với du lịch trên địa bàn.

z5885368794478_66b665b3316864a8b66969827efb78ea.jpg
Phát huy giá trị văn hóa thành sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo.

Qua nghiên cứu “Phát huy truyền thống Churu và xây dựng làng văn hóa - du lịch tại xã Pró, huyện Đơn Dương” đã chỉ ra những loại hình, loại thể văn hóa truyền thống của người Churu qua tín ngưỡng, phong tục tập quán, lễ hội, y phục, trang sức, ẩm thực, nghề thủ công, âm nhạc, văn học dân gian, mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng… Tất cả các tài nguyên văn hóa này có thể vận dụng để hình thành các sản phẩm đặc thù phục vụ du lịch, đồng thời bảo tồn và phát huy có chọn lọc, có hệ thống các giá trị văn hóa.

3.jpg
Các hoa văn trang trí của các dân tộc bản địa Lâm Đồng được nghiên cứu hệ thống.

Hiện tại, có nhiều nghiên cứu mang lại hiệu quả thiết thực như các đề tài: Đánh giá kết quả việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và đề xuất xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới ở Lâm Đồng; Sưu tầm, bảo tồn và phát huy hoa văn trang trí các dân tộc bản địa tỉnh Lâm Đồng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc hiện nay… Đề tài “Nghiên cứu giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Cát Tiên - Lâm Đồng” đã đề ra các giải pháp kỹ thuật bảo tồn di tích, phục chế số hóa, tái hiện lại một số lễ hội và mạnh dạn đưa ra những giải pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ, phục dựng các công trình kiến trúc mà phần lớn là phế tích đã đổ nát bằng các phương pháp nghiên cứu so sánh, số hóa, phục dựng, phác họa mô hình 3D, đặt ra vấn đề ứng dụng công nghệ 4.0 trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử.

Hiện nay, chuyển đổi số toàn cầu đang là xu thế tất yếu, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề ứng dụng công nghệ vào bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được đặt ra. Việc nghiên cứu áp dụng công nghệ mới vào xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa 3D và xây dựng di tích, bảo tàng ảo phục vụ cho người dân và du khách trong nước và trên toàn thế giới là cần thiết, cấp bách, phù hợp với xu thế toàn cầu. Sở Khoa học và Công nghệ đã và đang triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ 4.0 để xây dựng Bộ dư địa chí các dân tộc thiểu số trong tỉnh, quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tại Bảo tàng và Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên, huyện Cát Tiên….

z5885368805780_1744f4e29f3f7d3cd286e6e4ef49bd56(1).jpg
Di tích quốc gia đặc biệt khảo cổ Cát Tiên.

Với đề tài “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng Bộ dư địa chí các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng sẽ xây dựng Danh mục số hóa hệ thống di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số trong tỉnh; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý, có mã định danh, loại hình, dân tộc, khu vực địa lý phổ biến, nguồn gốc, lịch sử cư trú, văn hóa, phong tục tiêu biểu… với giao diện tiếng Việt, nội dung phong phú, có tính tương tác, kết nối thuận tiện cho khai thác, sử dụng. Đề tài “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Bảo tàng Lâm Đồng” và đề tài “Ứng dụng công nghệ 3D trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên” đang tiến hành số hóa cơ sở dữ liệu hồ sơ khoa học cho toàn bộ hiện vật, phục dựng 3D cho các hiện vật tiêu biểu, tích hợp vào hệ thống phục vụ tham quan trên môi trường mạng internet; định mã QR code thông tin đầy đủ, phản ánh được diện mạo cơ bản của di tích, số hóa hồ sơ khoa học, dữ liệu cho các hiện vật, ứng dụng công nghệ 3D, thực tế ảo tái hiện sinh động di tích lịch sử, khảo cổ.

Theo ThS. Võ Thị Hảo - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trong thời gian tới, với định hướng quan tâm hơn nữa công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực xã hội - nhân văn, ngành khoa học công nghệ sẽ có nhiều đề tài thiết thực nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử góp phần gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em, tạo nền tảng để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Lâm Đồng.

Trong thời gian tới nhiều đề tài khoa học trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục được ứng dụng trong thực tiễn của tỉnh nhà, bà Hảo cho biết.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Lâm Đồng: Khoa học và công nghệ trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa