Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) với những điểm check-in nổi tiếng như ghềnh Bàng, mũi Nghê, bãi Bụt, hòn Sụp, bãi Lở, hòn Chảo… đang hấp dẫn du khách mùa du lịch biển. Với hệ sinh thái biển phong phú và khá nguyên sơ, du khách khắp nơi tìm đến đây ngày càng nhiều. Nhưng “tỷ lệ thuận” với lượng du khách chính là… rác thải mà hằng ngày bán đảo xinh đẹp này phải oằn mình gánh chịu. Rác thải chủ yếu vẫn là vỏ lon, hộp nhựa, ni lông…
Nếu như trên cạn có đội quân nhặt rác những ngày cuối tuần gồm học sinh, sinh viên, thanh niên tình nguyện, thì rất may, dưới gần cả chục mét nước vẫn có những thanh niên lặn biển chuyên nghiệp. Họ ngày ngày rảo quanh các rạn san hô sống để thu gom rác thải. Họ đi thành từng nhóm “phượt” dưới nước, vừa lặn vừa nhặt những bao tải rác thải kéo vào bờ…
Đào Đặng Công Trung (39 tuổi, làm trong ngành du lịch) là một cái tên khá quen thuộc ở Sơn Trà. Gần 10 năm nay, ngày nào anh cũng dành ít thời gian đi nhặt rác ở khu vực quanh bán đảo này. Khi câu chuyện nhặt rác của anh Trung lan tỏa đến đông đảo bạn trẻ ở Đà Nẵng, thu hút họ cùng nhặt rác làm sạch Sơn Trà thì anh Trung lại cùng những người bạn chuyên “phượt” đáy biển mở ra câu chuyện mới: lặn biển nhặt rác.
Họ sống cùng Sơn Trà nên hiểu rõ khu vực này như lòng bàn tay, từ vị trí các vỉa đá nhô ra biển cho đến các rạn san hô sống, những luồng nước, luồng cá… “Nhưng tuyệt đối không vì am hiểu mà có thể chủ quan khi lặn”, anh Trung nhắc nhở. Những chuyến lặn biển nhặt rác của nhóm anh Trung luôn có những túi nhỏ thu gom rác thải, với độ lặn sâu từ 3 – 12 m. Nhiều năm qua, anh Trung và nhóm phượt đáy biển của mình không nhớ đã thu gom được bao nhiêu rác thải. Họ chỉ nhớ luôn nhắc nhau không được “say” với rác mà rơi vào tình huống nguy hiểm tính mạng. Anh kể, trung bình mỗi hơi thở sẽ lặn được chừng 1,5 phút. Trong khoảng thời gian đó, người lặn sẽ khoanh vùng vị trí họ tiếp cận và lượng rác cần xử lý.
“Có lần tôi mải đuổi theo những chiếc vỏ lon, cứ cố tận dụng thời gian để lấy cho được từng cái vì mỗi lần xuống và lên đều khó. Ham rướn mình theo rác, đôi khi tự mình đẩy mình vào những tình huống khó. Có khi lên còn cách mặt nước chưa được một mét thì đã đuối hơi”, anh nhớ lại.
Trong số những người ham theo rác phải kể đến chị Trà Thanh Tú (Đà Nẵng). Thừa hưởng “gien trội” từ người cha là một đặc công nước, chị Tú được bạn bè đặt biệt danh “rái cá”. Mỗi ngày đều luyện lặn biển, độ dẻo dai của chị không thua một đấng nam nhi nào. Sau mỗi chuyến lặn, chị cũng hào hứng kéo vào bờ không biết bao nhiêu là rác. Thế nhưng, với bất cứ ai có ý định lặn biển nhặt rác, chị lại luôn cảnh báo về nguy cơ “ham rác”, “say rác”.
Chị Tú cho biết, tùy theo độ sâu mà người lặn có thể lặn một hơi, tầm 5 – 7 m nước chỉ cố để nhặt 2 – 3 vỏ lon. Nếu gặp nơi nhiều rác quá mà cứ gắng lượm từng cái và không lường được con nước để trồi lên, thì rất nguy hiểm. Ngoài hơi thở, người lặn còn phải đặc biệt lưu ý di chuyển của chân vịt, bởi nếu vướng lưới khi gần hết hơi thì rủi ro khôn lường… “Mình bị vài lần rồi tự rút kinh nghiệm. Có lần vì ham theo rác mà khi ngoi lên, dù chỉ còn cách mặt nước vài gang tay thôi nhưng mình có cảm giác như bất lực, không thể rướn lên lấy hơi được. Rất nguy hiểm! Phải tự lượng sức, tự mình vượt qua chứ không ai giúp được cả”, chị chia sẻ.
Hoàng Long (31 tuổi, Đà Nẵng) và người bạn thân cũng được xếp vào nhóm “ham rác”. Một ngày lặn biển, các bạn gom gần 3.000 vỏ lon dưới độ sâu 3 – 5 m nước ở khu vực Bãi Đa (Sơn Trà). Sau khi lặn và kéo các vỏ lon lên khỏi mặt nước, phía bên trên có nhóm khác thu gom đưa rác vào bờ. “Mình lặn hoàn toàn bằng hơi. Mỗi một phút lặn nhặt được hơn chục cái lon. Cứ lên và xuống liên tục như vậy, đến khi khu vực mà mình chọn nhặt không còn vỏ lon nào. Nhưng cái giá của việc nhặt hơn 3.000 cái lon trong một ngày là mình lặn đến… xịt máu mũi”, Long cười
Những nhóm lặn biển nhặt rác Đà Nẵng “thuộc” vùng biển này như trong lòng bàn tay, nơi có những rạn san hô sống, những luồng di chuyển của cá… Vì yêu, nên hơn ai hết họ không thể chịu đựng được hình ảnh rác thải bủa vây san hô, rùa biển và nhiều sinh vật biển khác.
Chị Thanh Tú đã từng rướn hết hơi để lặn đến hơn 2,5 phút dưới độ sâu gần 4 m nước để cắt toàn bộ búi lưới khủng đang bủa vây một rặn san hô sống. Đó cũng là lần rướn kỷ lục của chị khi cố hết sức cắt lưới trong điều kiện biển có sóng, những rạn san hô dập dềnh theo con nước. Nếu cắt không khéo, sẽ làm gãy vỡ các nhánh san hô. “Lúc đó mình như “say” vậy. Nhìn đám san hô gần như vẫy vùng tuyệt vọng trong đám lưới, mình không thể chịu đựng nổi. Giống như ai bó chặt tay chân của mình lại vậy”, chị kể. Bằng đồ nghề chuyên dụng luôn dắt theo bên mình như kềm bấm, kéo bấm, dây chuyên dụng…, chị đã hốt sạch búi lưới nặng hơn 3 kg trong một hơi nín thở và kéo nó lên bờ khi sức đã gần kiệt… Long cũng vậy, không chỉ nhiều lần cứu san hô trong đám rác, anh và nhóm bạn có lúc giải thoát chú rùa biển nhỏ mắc lưới dưới hốc đá sâu gần 4 m. Chú rùa biển sau đó được bàn giao cho nhóm Cứu hộ sinh vật hoang dã Sa Sa (Đà Nẵng)…
Những chuyến vớt rác dưới đáy biển của nhóm bạn trẻ không chỉ thầm lặng, mà cứ như… muối bỏ biển nếu tương quan với lượng rác thải đang được xả bừa bãi. Để lôi vài vỏ lon đang bám chặt các vỉa san hô ở độ sâu cả chục mét nước lên bờ, những bạn trẻ “phượt đáy biển” phải đối diện rủi ro thường trực. Nhưng họ vẫn làm, đơn giản chỉ vì đáy biển đang cần họ.
Khác với trên bờ, rác dưới đáy biển không chịu đứng yên. Chúng cứ trườn theo con nước. Người lặn buộc phải có sức khỏe tốt, kỹ năng thuần thục, hơi lặn dài, chịu được áp lực nước. Ngược lại, họ sẽ bị tổn thương não, có thể gây ngất hoặc ngưng thở. “Biển sạch và không rác thải là nỗi đau đáu khôn nguôi của anh em chúng tôi. Biển phải sạch thì san hô và sinh vật biển mới sống được, mới gầy dựng được quần thể sinh vật biển đa dạng và phong phú quanh bán đảo Sơn Trà, hòn ngọc quý của miền Trung. Vì vậy, anh em chúng tôi cố gắng duy trì công việc này hằng tuần, thậm chí hằng ngày”, anh Trung chia sẻ.
Sực nhớ về hình ảnh những đoạn bờ biển đầy rác, những du khách vô tâm ném rác xuống biển, những chuyến tàu xả rác vô tội vạ… mà thấy đau lòng cho các đợt ngụp lặn của những bạn trẻ quanh bán đảo Sơn Trà. Các bạn nín thở để tôm cá, thậm chí san hô, được thở
Theo Thanh Niên