Lãng phí lương thực làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu

Thanh Thanh|31/03/2024 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Khoảng 13% thực phẩm bị thất thoát trong chuỗi cung ứng, từ sau thu hoạch đến điểm bán hàng. Lãng phí lương thực không chỉ tác động đến nền kinh tế toàn cầu mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm.

Theo báo cáo “Chỉ số Chất thải Thực phẩm năm 2024” của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), vào năm 2022, thế giới đã lãng phí 1,05 tỷ tấn thực phẩm. Khoảng 19% thực phẩm sẵn có cho người tiêu dùng đã bị thất thoát ở cấp độ bán lẻ, dịch vụ thực phẩm và hộ gia đình.

Các hộ gia đình lãng phí 631 triệu tấn thực phẩm vào năm 2022, tương đương 60% tổng lượng thực phẩm bị lãng phí. Các lĩnh vực dịch vụ thực phẩm và bán lẻ chịu trách nhiệm tương ứng cho 290 và 131 triệu tấn.

Dữ liệu từ báo cáo cho thấy, trung bình một người lãng phí 79kg thực phẩm mỗi năm, con số này tương đương với 1,3 bữa ăn mỗi ngày cho tất cả mọi người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi nạn đói. Trong khi đó, theo Liên hợp quốc, chỉ có 21 quốc gia đưa tình trạng thất thoát và lãng phí lương thực vào kế hoạch khí hậu quốc gia.

Bên cạnh đó, theo ước tính của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), khoảng 13% thực phẩm bị thất thoát trong chuỗi cung ứng, từ sau thu hoạch đến điểm bán hàng.

lang-phi-luong-thuc-moitruongnet.jpg
Lãng phí lương thực làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu

Giám đốc điều hành của UNEP - bà Inger Andersen cho biết, lãng phí lương thực là thảm kịch toàn cầu. Hàng triệu người sẽ đói ngày hôm nay vì thực phẩm bị lãng phí trên khắp thế giới. 

Theo báo cáo, việc lãng phí lương thực không chỉ gây ra biến đổi khí hậu, mà còn có thể khiến nó trở nên trầm trọng hơn. Trong đó, các quốc gia có nhiệt độ nóng được phát hiện là lãng phí nhiều thực phẩm hơn các quốc gia có nhiệt độ mát.

Cũng theo báo cáo, lãng phí thực phẩm không chỉ là hiện tượng “thế giới giàu có”. Lượng thực phẩm bị lãng phí ở các nước có thu nhập cao và trung bình chỉ chênh lệch 7kg mỗi người mỗi năm so với những nước trung bình và nghèo.

Báo cáo đưa ra khuyến nghị tập trung nỗ lực vào việc tăng cường giảm thiểu chất thải thực phẩm và ủ phân ở các thành phố.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy vẫn có tia hy vọng cho sự lạc quan, khi ngày càng nhiều chính quyền các cấp chấp nhận quan hệ đối tác công - tư nhằm giảm lãng phí thực phẩm và tác động đến căng thẳng về khí hậu và nước. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãng phí lương thực làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu