Lạng Sơn chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại mùa mưa bão

Thanh Thanh|16/05/2024 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Dự báo trong năm 2024, tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến khó lường. Trước tình hình đó, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tập trung thực hiện phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xuất hiện mưa dông, sấm sét gây mưa lớn kèm gió lốc gây tốc mái trên 1.300 nhà (phần lớn thiệt hại dưới 30%); 1 ngôi nhà bị sét đánh vào đường dây điện gây cháy nhà; 388 ha hoa màu, 14 ha cây trồng lâu năm bị ngập úng; 144 con trâu, bò, ngựa, 87 con lợn bị chết… Tổng thiệt hại ước trên 10 tỷ đồng.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh đưa ra dự báo, từ tháng 5 đến tháng 10/2024, trên địa bàn tỉnh có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, lượng mưa có thể tương đương với trung bình nhiều năm, riêng tháng 9 lượng mưa cao hơn 10-30% so với trung bình nhiều năm; có khả năng xuất hiện các đợt lũ, mực nước đỉnh lũ trên các sông ở mức báo động 1, các sông, suối nhỏ ở mức báo động 1 đến báo động 3 dẫn tới nguy cơ ngập úng cầu tràn, cầu tạm, sạt lở đất, ảnh hưởng các công trình… 

Bên cạnh đó, báo cáo hiện trạng an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2024 của Sở NN&PTNT, qua kiểm tra 161 hồ đập trên địa bàn tỉnh có 111/161 hồ chứa có kết quả đánh giá an toàn; 30/161 hồ có kết quả đánh giá cơ bản an toàn và 20/161 hồ có kết quả đánh giá có nguy cơ mất an toàn cao.

Ngoài ra, cơ quan chuyên môn cũng phát hiện 12 đập bị thấm, trong đó có 4 đập bị thấm nặng; 12 đập bị biến dạng mái đập; 5 tràn xả lũ bị nứt; 16 tràn xả lũ bị xói lở thân tràn, đuôi tràn, tiêu năng...

langson111-1652170796654257048189.jpg
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xuất hiện mưa dông, sấm sét gây mưa lớn kèm gió lốc

Trước tình hình đó, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh đã và đang tập trung triển khai các giải pháp để phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão để đạt được kết quả cao nhất.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh - Ông Nguyễn Phúc Đạt, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai mùa mưa bão năm nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai; tiếp tục rà soát, xây dựng, cập nhật, bổ sung, phê duyệt kế hoạch phòng chống thiên tai; tăng cường công tác kiểm tra công tác PCTT&TKCN; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai, phổ biến nhất là mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá...

Đồng thời, các cơ quan liên quan nhanh chóng triển khai công tác chuẩn bị để thực hiện tốt kế hoạch tập huấn lái xuồng, tìm kiếm cứu nạn năm 2024 (dự kiến tổ chức vào cuối tháng 5 kéo dài đến đầu tháng 6/2024); tổ chức diễn tập phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Tràng Định năm 2024 (dự kiến tổ chức vào đầu tháng 8/2024). Cùng với đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết; thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, nhanh chóng khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai tại cơ sở…

Cùng với sự chủ động của tỉnh, các huyện, thành phố cũng chủ động triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024. 

Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Để chủ động ứng phó với mưa bão năm 2024, ngay từ đầu năm, huyện Chi Lăng đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện; UBND huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể đối với công tác PCTT&TKCN. Trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị; triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể đối với một số loại hình thiên tai; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về công tác PCTT bằng nhiều hình thức; tổ chức các đoàn kiểm tra về công tác PCTT tại cơ sở để xác định các điểm xung yếu, nguy hiểm và có cảnh báo kịp thời; xây dựng các phương án khắc phục khi xảy ra sự cố; tập trung thực hiện công tác PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”…

Không chỉ huyện Chi Lăng, hiện nay các huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN năm 2024. 

Bên cạnh sự chủ động triển khai các biện pháp PCTT&TKCN, các cấp, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức cảnh giác, thực hiện nghiêm các quy định về PCTT.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Lạng Sơn chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại mùa mưa bão
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.