Lạng Sơn tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên nước mặt để phát triển bền vững

Tuấn Kiệt|05/11/2022 17:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những năm gần đây, Lạng Sơn đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước mặt hiệu quả, góp phần phòng chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Theo Sở NN&PTNT Lạng Sơn, những năm qua, phát huy thế mạnh mặt nước sẵn có, phong trào nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, góp phần thay đổi phương thức sản xuất từ khai thác thủy sản tự nhiên sang nuôi trồng có đầu tư theo quy trình kỹ thuật, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích mặt nước, cải thiện đời sống người dân.

Đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh Lạng Sơn có gần 1.300ha diện tích nuôi thủy sản, sản lượng ước đạt trên 1.400 tấn. Duy trì hơn 500 mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn các huyện Bắc Sơn, Văn Lãng, Tràng Định, Lộc Bình, Văn Quan, Bình Gia…

Để tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế các mô hình, tỉnh đã giao các ngành chức năng phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ cá giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh…

Cùng với đó, quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, tác hại của dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm, hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích nhân dân nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

nuoc-mat.jpg
Tận dụng lợi thế mặt nước, đồng bào vùng khó khăn ở Lạng Sơn đã tập trung phát triển kinh tế lòng hồ, nâng cao thu nhập

Là đơn vị khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ cho sinh hoạt của người dân, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp, tích cực ứng dụng công nghệ – kỹ thuật vào quản lý, khai thác có hiệu quả.

Ông Dương Hữu Thức, Trưởng Phòng Kế hoạch – Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn cho biết: Từ năm 2014, công ty đưa vào sử dụng hệ thống mạng giám sát Scada từ xa. Thông qua hệ thống, người điều hành có thể quản lý được các chỉ số quan trọng như: lưu lượng nước đầu vào, áp lực, độ đục, các chỉ tiêu vi sinh. Từ đó, đưa ra cảnh báo, hay xảy ra sự cố để có biện pháp xử lý kịp thời. Cùng đó, từ năm 2020, công ty đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm quản lý khách hàng City Work thực hiện tự động cập nhật số lượng khách hàng, cập nhật tọa độ những khách hàng mới để quá trình xử lý sự cố diễn ra nhanh nhất; liên kết với các ngân hàng để thực hiện thanh toán tiền sử dụng nước, tạo sự tiện lợi, nhanh chóng cho người dân.

Tương tự, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn cũng chủ động triển khai các giải pháp quản lý, khai thác các hồ chứa, đập dâng đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất của người dân. Ông Liễu Văn Thông, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, công ty đang quản lý, khai thác 123 hồ chứa, 206 đập dâng. Để quản lý, khai thác nguồn nước mặt có hiệu quả, hằng năm, công ty tiến hành sửa chữa, nâng cấp các hồ đập đảm bảo tích nước, điều tiết nguồn nước hợp lý, tránh lãng phí nguồn nước. Cùng đó, công ty thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với công trình hồ đập có trữ lượng từ 1 triệu mét khối nước trở lên, không để xảy ra lấn chiếm, ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo quản lý, khai thác nguồn nước mặt có hiệu quả.

Theo Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, lượng nước mặt chủ yếu ở các hệ thống sông gồm: Kỳ Cùng, Thương, Lục Nam, Ba Chẽ là gần 5 tỷ mét khối; tại các hồ chứa là 0,135 tỷ mét khối. Các đơn vị khai thác, sử dụng nguồn nước mặt với tổng lượng khai thác gần 290 triệu mét khối/năm. Toàn tỉnh hiện có 102 công trình khai thác tài nguyên nước được cấp phép hoạt động, trong đó, có 56 công trình khai thác nguồn nước mặt. Việc khai thác, sử dụng nguồn nước mặt chủ yếu phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp, một phần tạo nguồn cấp nước cho công trình cấp nước sinh hoạt, thủy điện, công nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Để nâng cao chất lượng công tác quản lý, khai thác nguồn nước mặt, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện lập quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tỉnh Lạng Sơn; thực hiện xây dựng phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra để tích hợp vào quy hoạch tỉnh; thực hiện phê duyệt danh mục ao, hồ không được san lấp trên địa bàn… Đặc biệt, công tác cấp phép khai thác tài nguyên nước được chú trọng. Từ năm 2021 đến nay, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh thẩm định, cấp 20 giấy phép khai thác, sử dụng nguồn nước cho các tổ chức, cá nhân (trong đó, cấp 3 giấy phép khai thác nước mặt); trình Bộ TN&MT cấp 3 giấy phép khai thác nguồn nước mặt cho các đơn vị đủ điều kiện theo quy định.

Ông Lương Văn Nhất, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản, Sở TN&MT cho biết: Để tăng cường công tác quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước nói chung, phòng đã tham mưu cho sở triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền Luật Tài nguyên nước năm 2012, trung bình mỗi năm, phòng phối hợp tổ chức lồng ghép được 15 đến 20 cuộc tuyên truyền với gần 1.000 lượt người tham gia.

Cùng đó, phòng tham mưu cho Sở TN&MT chỉ đạo các đơn vị tập trung sửa chữa, nâng cấp, nâng cao năng lực, phát huy tối đa hiệu quả các công trình thủy lợi như hồ chứa, đập dâng; tăng cường công tác quản lý nhằm chống thất thoát, lãng phí trong khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước và khoáng sản; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trái quy định… Từ năm 2021 đến nay, Sở TN&MT đã thành lập 4 đoàn thanh tra và kiểm tra theo kế hoạch 12 đơn vị về việc chấp hành các quy định về lĩnh vực tài nguyên nước và bảo vệ môi trường. Hầu hết các đơn vị được thanh tra, kiểm tra chấp hành nghiêm quy định trong quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên nước.

Tin tưởng rằng, thời gian tới, với sự tích cực của ngành chức năng và sự chủ động của các đơn vị quản lý, khai thác, nguồn tài nguyên nước nói chung và nguồn nước mặt nói riêng trên địa bàn tỉnh sẽ được quản lý, sử dụng ngày càng hiệu quả, tiết kiệm phục vụ cho các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Bài liên quan
  • [Góc nhìn tuần qua] Nước mắt người dân Kỳ Sơn
    Liên tiếp hai trận lũ quét ập đến xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An ngày 2/10 đã cuốn phăng 56 ngôi nhà, làm ngập, hư hỏng hàng trăm ngôi nhà khác. Trong cơn lũ dữ, một cháu bé 4 tháng tuổi bị nước cuốn, tử vong. Nhiều người dân tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An sẽ không bao giờ quên những ngày đầu tháng 10 đầy kinh hoàng khi cả một khu vực tan hoang vì lũ quét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên nước mặt để phát triển bền vững