Lào sắp xây thêm đập thủy điện trên sông Mekong, thêm mối lo cho Việt Nam

Hạnh Lê (t/h)|15/10/2019 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chính phủ Lào dự kiến khởi công dự án thủy điện Luang Prabang trên sông Mekong vào năm sau và bắt đầu bán điện từ năm 2027.

Đập Luang Prabang sẽ nằm trên dòng chính sông Mekong, giữa dự án Pak Beng đã đề xuất ở thượng lưu và dự án Xayaburi sắp hoàn thành ở hạ lưu.

Địa điểm cụ thể của dự án là làng Houygno thuộc tỉnh Luang Prabang, cách thị trấn Luang Prabang khoảng 25 km và cách đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam khoảng 2.036 km. Đập nhà máy phát điện sẽ dài 275 m, cao 80 m và rộng 97 m.

Dự án thủy điện đập dâng này dự kiến hoàn thành vào năm 2027, vận hành liên tục quanh năm và sản xuất 1.460 MW điện. Điện sản xuất ra có thể được bán sang Thái Lan và Việt Nam từ năm 2027, theo thông báo chính phủ Lào trình lên ban thư ký Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) hồi tháng 7.

Đoạn sông Mekong chảy qua Luang Prabang, Lào. Ảnh: MRC.

Sau khi Chính phủ Lào chính thức báo cáo về kế hoạch xây dựng đập thủy điện mới ở Luang Prabang trên sông Mê Kông, Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) đã lập tức thông báo cho các quốc gia thành viên khác gồm Campuchia, Thái Lan và Việt Nam để chuẩn bị cho quá trình tham vấn kéo dài tối thiểu 6 tháng.

Thời gian tham vấn bắt đầu từ ngày 8/10. Trong giai đoạn này, các thành viên của MRC có thể xem xét dự án, đánh giá các vấn đề xuyên biên giới và đề xuất thay đổi.

Nếu được xây dựng, đập Luang Prabang, kết hợp với các đập Pak Beng, Xayaburi và Pak Lay, sẽ hoàn thành việc chuyển đổi sông Mê Kông ở toàn bộ vùng bắc Lào thành một chuỗi hồ nước theo bậc, dẫn đến thiệt hại lớn và không thể đảo ngược đối với sức khỏe và năng suất của dòng sông.

Xây dựng thủy điện Luang Prabang việc tác động đến Việt Nam là rất rõ. Trong đó, việc phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mekong sẽ đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và sinh kế của hàng triệu người dân đang sống dựa vào con sông này.

Thực tế, nguồn nước sông Mekong những năm gần đây đã có những biến động bất lợi đặc biệt đối với Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Đây là hậu quả của ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu và việc xây dựng những con đập trên dòng chính.

Việc xây dựng thêm nhiều đập trên dòng chính sẽ càng làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn như: Suy giảm trầm tích khiến cho đồng bằng không được kiến tạo, xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn, mùa lũ về muộn, thiếu nước, người dân phải khai thác nước ngầm để sử dụng, việc khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến sụt lún, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đe dọa đến sinh kế, đẩy nhanh quá trình di cư…

Thực tế, tình trạng đồng bằng sông Cửu Long đang bị kéo chìm ngày càng biểu hiện rõ, điển hình là trận ngập lịch sử hồi đầu tháng 10 vừa qua. Đợt triều dâng sáng 30/9, mực nước trên sông Hậu tại Cần Thơ đã lên đến mức 2,25 m, tức là vượt kỷ lục 2,23 m của năm 2018 và là mức triều cường cao nhất trong vài chục năm qua. Chưa bao giờ người dân TP Cần Thơ chứng kiến cảnh ngập lụt trên diện rộng như vậy. Các đô thị khác ở vùng giữa của đồng bằng sông Cửu Long như TP Long Xuyên (An Giang), Vĩnh Long, Sóc Trăng, TP Vị Thanh (Hậu Giang) cũng ngập trong triều. Không chỉ ngập lụt, những thay đổi từ mực nước sông Mê Kông đang tác động rất lớn đến đời sống của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hạnh Lê (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Lào sắp xây thêm đập thủy điện trên sông Mekong, thêm mối lo cho Việt Nam
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.