LHQ cảnh báo cuộc đại di cư của toàn bộ dân số do tình trạng nước biển dâng

Mai Anh|17/02/2023 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, tác động của nước biển dâng đang tạo ra những bất ổn và xung đột mới. Trong những thập kỷ tới, các cộng đồng ở vùng trũng thấp và toàn bộ các quốc gia có thể biến mất vĩnh viễn.

Dữ liệu của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng nhanh hơn kể từ năm 1900 so với bất kỳ thế kỷ nào trước đó trong suốt 3.000 năm qua. WMO xác nhận rằng ngay cả khi sự nóng lên toàn cầu được giới hạn một cách thần kỳ ở mức 1,5 độ C cũng không ngăn được mực nước biển dâng cao. 

Theo cảnh báo của Liên hợp quốc, nếu nhiệt độ tăng thêm 2 độ C, mức tăng mực nước biển có thể tăng gấp đôi, và nếu nhiệt độ tăng thêm hơn nữa sẽ khiến mực nước biển tăng theo cấp số nhân. Với tốc độ hiện tại, mực nước biển sẽ cao hơn từ 1 – 1,6m vào năm 2100. 

tinh-trang-nuoc-bien-dang.png
Mực nước biển sẽ cao hơn từ 1 – 1,6m vào năm 2100. 

Trong bất kỳ kịch bản tăng nhiệt độ nào, các quốc gia từ Bangladesh đến Trung Quốc, Ấn Độ và Hà Lan đều sẽ gặp rủi ro. Các siêu đô thị trên mọi châu lục sẽ phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng, bao gồm Lagos, Bangkok, Mumbai, Thượng Hải, London, Buenos Aires và New York. Mối nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng đối với khoảng 900 triệu người sống tại các vùng ven biển ở độ cao thấp. 

Ông António Guterres nhấn mạnh, nước biển dâng đang “nuốt chửng tương lai”. Đây sẽ là “cơn lũ vấn đề” ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người sống ở các quốc đảo nhỏ đang phát triển và tại các khu vực ven biển trũng thấp khác, thậm chí toàn bộ các quốc gia có thể biến mất vĩnh viễn.

Thế giới sẽ chứng kiến một cuộc di cư ồ ạt của toàn bộ dân số, sự cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn bao giờ hết khi nước ngọt, đất đai và các nguồn tài nguyên khác cạn dần. Bên cạnh đó, hiện tượng này cũng gây nguy hiểm cho việc tiếp cận với nước, thực phẩm và chăm sóc sức khỏe. 

Ông cũng đồng thời mô tả thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra không chỉ đối với việc làm và toàn bộ nền kinh tế trong các ngành công nghiệp then chốt như: nông nghiệp, ngư nghiệp và du lịch, mà còn đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia như hệ thống giao thông, bệnh viện và trường học…, đặc biệt nếu nước biển dâng cao có liên quan đến các hiện tượng thời tiết cực đoan.

canh-bao-nuoc-bien-dang.png
Thế giới sẽ chứng kiến một cuộc di cư ồ ạt của toàn bộ dân số do biến đổi khí hậu.

Nhiều nơi trên thế giới đã chứng kiến sự tàn phá và nước biển dâng cao đã ảnh hưởng đến sinh kế của ngành du lịch và nông nghiệp trên khắp vùng Caribê. Mực nước biển dâng và các tác động khí hậu khác đã buộc mọi người phải di dời ở Fiji, Vanuatu, Quần đảo Solomon và các nơi khác. 

Do đó, Tổng thư ký và Chủ tịch Đại hội đồng Csaba Kőrösi kêu gọi các quốc gia thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ để tránh những thảm họa nhân đạo và xung đột được dự báo trước bởi sự trỗi dậy của các đại dương. Quan chức LHQ đề nghị chính phủ các nước hành động trên nhiều mặt, bao gồm: tăng cường kiến thức của cộng đồng toàn cầu về nguyên nhân gốc rễ của tình trạng mất an ninh và giải quyết các tác động của mực nước biển dâng, cuộc khủng hoảng khí hậu, nếu nhiệt độ vượt quá 1,5 độ C. 

Trước đó, hồi tháng 11/2022, ông António Guterres cho biết, Trái đất đang hướng đến tình trạng biến đổi khí hậu không thể tránh được, và kêu gọi các nhà lãnh đạo thực hiện đúng các giải pháp kéo giảm lượng khí thải; thực hiện các cam kết tài chính giúp đối phó biến đổi khí hậu, giúp các nước đang phát triển tăng tốc chuyển qua sử dụng năng lượng tái tạo. 

Kế hoạch này đòi hỏi phải thực hiện quỹ tổn thất và thiệt hại, cam kết tài trợ khí hậu 100 tỷ USD cho các nước kém giàu hơn, tăng gấp đôi tài trợ cho thích ứng và huy động các nguồn tài chính đầu tư ở mức hợp lý. 

Tổng thư ký António Guterres giải thích, cách tiếp cận này phải đi đôi với việc hiểu rõ hơn về nguyên nhân gốc rễ của tình trạng mất an ninh và giải quyết nhiều yếu tố gây tổn hại đến an ninh – từ nghèo đói, phân biệt đối xử và bất bình đẳng, từ vi phạm nhân quyền đến các thảm họa môi trường như mực nước biển dâng cao. Do đó, ông nhắc lại vai trò của Quỹ Xây dựng Hòa bình, vốn hỗ trợ tích cực cho các nỗ lực phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu, và tầm quan trọng của tầm nhìn xa cũng như cảnh báo sớm trước thiên tai. 

Mới đây,  Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã mở Phiên thảo luận về “Nước biển dâng - các tác động đối với hòa bình và an ninh. Phát biểu tại phiên thảo luận Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định, Việt Nam hiểu rõ những tác động tiêu cực của nước biển dâng đến kinh tế - xã hội, hòa bình, an ninh và sự tồn vong của nhiều quốc gia. 

Đại sứ cho rằng ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cần có biện pháp toàn diện, lấy con người làm trung tâm. Đồng thời, Đại sứ Đặng Hoàng Giang khuyến nghị Hội đồng Bảo an cân nhắc tổ chức thêm các cuộc thảo luận với các nhà khoa học, chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và khu vực về tác động của nước biển dâng tới hòa bình và an ninh, xây dựng cơ sở dữ liệu về tác động đa chiều của vấn đề này cũng như thông qua một hệ thống cảnh báo sớm về nước biển dâng ở các khu vực xung đột.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
LHQ cảnh báo cuộc đại di cư của toàn bộ dân số do tình trạng nước biển dâng