Quảng Trị: Thiếu thủ tục pháp lý, doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ hoạt động rầm rộ tại Đakrông

Ngọc Trâm – Minh Tâm|27/06/2022 10:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhiều Nhà máy sản xuất dăm gỗ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hoạt động rầm rộ khi chưa có đầy đủ pháp lý, đặc biệt chưa được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, khiến người dân vô cùng bức xúc. Những Nhà máy này hoạt động dưới vỏ bọc là cơ sở chế biến lâm sản, cưa xẻ gỗ, bào gỗ nhưng thực tế là sản xuất dăm gỗ.

LTS: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xuất hiện tình trạng các cơ sở tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất để sản xuất dăm gỗ khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép đầu tư và phê duyệt Báo cáo tác động môi trường, gây hệ luỵ tới môi trường và cuộc sống của người dân. Trong quá trình tìm hiểu thu thập thông tin, PV Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn nhận được nhiều ý kiến phản ánh về tình trạng các Nhà máy sản xuất dăm gỗ trên địa bàn huyện Đăkrông hoạt động thiếu các thủ tục pháp lý, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Không đầy đủ thủ tục pháp lý, doanh nghiệp vẫn vô tư hoạt động

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đakrông có 02 cơ sở chế biến dăm gỗ với công suất 2.400 – 2.600 tấn/tháng, đó là Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng và Công ty TNHH MTV Phượng Hoàng. Nguồn nguyên liệu chủ yếu là rừng trồng sản xuất (tràm, keo các loại) được thu mua từ người dân.

2-2-.jpg
Các nhà máy sản xuất chế biến dăm gỗ hoạt động rầm rộ.

Đối với Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng là đơn vị nhận chuyển nhượng nhà máy sản xuất gỗ và chế biến lâm sản tại thôn Hà Bạc, xã Hường Hiệp, huyện Đakrông từ Công ty cổ phần xây dựng số 6 theo hợp đồng chuyển nhượng tháng 2/2020. Hiện tại Công ty này không có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư mà chỉ hoạt động trên cơ sở Công văn số 2470/UBND-CN ngày 09/9/2015 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc đầu tư nhà máy gỗ và chế biến lâm sản. Tuy nhiên, phía công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng đã dùng vỏ bọc chế biến lâm sản để biến tướng thành nhà máy sản xuất dăm gỗ. Thực trạng này đã diễn ra trong nhiều năm qua.

Theo báo cáo số 22/ BC - UBND ngày 25/1/2022 của UBND huyện Đakrông gửi UBND tỉnh và các sở ngành liên quan về tình hình hoạt động các cơ sở chế biến dăm gỗ trên địa bàn, trong đó nêu rõ: Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng hiện tại đang hoạt động sản xuất dăm gỗ trên diện tích đất 4.500m2 mục đích sử dụng đất là thương mại dịch vụ (Giấy chứng nhận QSDĐ do UBND huyện Đkrông cấp 27/10/2015 cho ông Nguyễn Tuấn Hoàng và bà Nguyễn Thị Loan) thời hạn sử dụng đến tháng 10/2065. Như vậy, việc công ty này thực hiện xây dựng nhà máy chế biến dăm gỗ trên đất thương mại dịch vụ là trái với quy định của pháp luật.

3-3-.jpg
4(1).jpg
Xe cộ ra vào “ăn hàng” tấp nập.

Theo quy định tại điểm g khoản 1, điều 57 Luật Đất đai năm 2013 có nêu rõ “chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại dịch vụ; chuyển đất xây dựng thương mại dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp”. Liên quan đến vấn đề này Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị cũng đã có văn bản số 1724/STNMT-QLĐĐ ngày 02/6/2022 nêu rõ “Đối chiếu với quy định, khu đất của ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Hoàng Thị Loan thuộc trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại Điều 57, Luật Đất đai năm 2013. Do đó đề nghị UBND huyện Đakrông rà soát lại hồ sơ trước đây để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Được biết Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng xây dựng và hoạt động sản xuất dăm gỗ từ năm 2016 đến nay, hồ sơ pháp lý về môi trường của công ty này chỉ có Giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường số 40/GXN-UBND do UBND huyện Đakrông xác nhận ngày 03/12/1015 cấp cho Công ty cổ phần xây dựng số 6.

Thời điểm năm 2015 đối với dự án này phải áp dụng Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về việc quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường. Theo quy định tại phụ lục II của Nghị định này đã quy định cụ thể như sau: Dự án xây dựng cơ sở chế biến gỗ, dăm gỗ từ gỗ tự nhiên với công suất từ 3.000 m3 sản phẩm/năm trở lên; Dự án xây dựng cơ sở sản xuất ván ép với công suất từ 100.000 m2/năm trở lên; Dự án xây dựng cơ sở sản xuất đồ gỗ có tổng diện tích kho, bãi, nhà xưởng từ 10.000 m2 trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và được duyệt bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định. Chiếu theo quy định Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng không có hồ sơ ĐTM liệu đã làm đúng với các quy định của pháp luật?

Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng đóng tại Km32 xã Hường Hiệp, huyện Đakrông, là khu vực tiếp giáp với trục đường quốc lộ 9. Theo thông tin từ đại diện phòng KTHT huyện Đakrông cho biết, hiện công ty này chưa có giấy phép đấu nối vào quốc lộ 9. Tuy nhiên, việc đấu nối vào quốc lộ là do Cục quản lý đường bộ II cấp phép và quản lý, còn phía cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương chỉ giám sát và theo dõi, phối hợp.

Mặc dù các thủ tục pháp lý không đầy đủ nhưng Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng vẫn hoạt động chế biến dăm gỗ trong thời gian dài mà chưa có hình thức xử lý thỏa đáng.

Đối với Công ty TNHH MTV Phượng Hoàng, dù có Quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh quảng Trị số 819/QĐ-UBND ngày 19/4/2018, tên dự án đầu tư là “Nhà máy chế biến gỗ ghép thanh và gỗ dăm”. Tuy nhiên, thực tế Công ty TNHH MTV Phượng Hoàng chỉ hoạt động chế biến dăm gỗ từ nguyên liệu rừng trồng của người dân như: Tràm, keo các loại; sản lượng sản xuất bình quân từ 1.200 đến 1.400 tấn/ tháng. Điều này chứng tỏ sau 4 năm đi vào hoạt động đơn vị vẫn không thực hiện đầy đủ chủ trương chấp thuận đầu tư đã được ký của UBND tỉnh.

Chính quyền địa phương lúng túng trong phương án xử lý

Sau khi tìm hiểu về những bất cập đối với các cơ sở chế biến dăm gỗ trên địa bàn huyện Đakrông, phóng viên chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo UBND huyện là ông Lê Đại Lợi - Phó chủ tịch UBND huyện, cùng lãnh đạo các phòng ban liên quan.

5(1).jpg
Đoạn đường nối từ Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng ra quốc lộ 9 được cho là chưa có giấy phép đấu nối.

Tại buổi làm việc ông Lê Đại Lợi cho biết, phía huyện cũng đã nhận được một số ý kiến phản ánh liên quan đến các cơ sở sản xuất dăm gỗ trên địa bàn. Vừa qua huyện cũng đã tiến hành kiểm tra rà soát lại các thủ tục pháp lý của các đơn vị này và đã có báo cáo gửi UBND tỉnh cùng các sở ngành liên quan, đồng thời kiến nghị các sở ngành liên quan hướng dẫn UBND huyện phương án xử lý theo quy định.

Liên quan đến vấn đề vì sao Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng xây dựng nhà máy sản xuất chế biến dăm gỗ hoạt động trong một thời gian dài nhưng chưa có giấy chứng nhận đầu tư, không có đánh giá tác động môi trường, mục đích sử dụng đất không đúng so với GCN quyền sử dụng đất... ông Lợi cho biết: “Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng hoạt động trên cơ sở Công văn số 2470/UBND-CN ngày 09/9/2015 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc đầu tư nhà máy gỗ và chế biến lâm sản. Quá trình kiểm tra, đơn vị không xuất trình được Giấy chứng nhận đầu tư, tuy nhiên việc công ty hoạt động có thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận đầu tư hay không? Chúng tôi đang xin ý kiến hướng dẫn cụ thể từ Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Trị. Đến thời điểm hiện nay huyện vẫn chưa nhận được hướng dẫn từ Sở. Dự kiến trong thời gian tới huyện sẽ có buổi làm việc cụ thể với Sở KH&ĐT về những vấn đề pháp lý liên quan của các đơn vị sản xuất dăm gỗ trên địa bàn để huyện có hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tinh thần của UBND huyện là sai đến đâu thì xử lý đến đó”.

6-1-.jpg
Đại diện lãnh đạo UBND huyện, ông Đại Lợi - PCT UBND (thứ 2 bên phải) cùng các phòng ban liên quan làm việc với phóng viên.

Phóng viên đặt câu hỏi vì sao công suất sản xuất tương đương nhưng Công Ty TNHH MTV Phượng Hoàng có đầy đủ Giấy chứng nhận đầu tư, đánh giá tác động môi trường nhưng Công ty TNHH Nguyễn Tuấn Hoàng thì ngược lại? đồng thời mục đích sử dụng đất của công ty này hoàn toàn không đúng so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? cả 2 đơn vị Nguyễn Tuấn Hoàng và Phượng Hoàng đều “đội lốt” dưới vỏ bọc là cơ sở chế biến lâm sản, cưa xẻ gỗ, bào gỗ nhưng thực tế là sản xuất dăm gỗ.

Liên quan đến vấn đề này ông Lợi cho biết “Huyện đang giao các phòng ban liên quan rà soát lại toàn bộ thủ tục pháp lý của các cơ sở dăm gỗ này, Công Ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng có phải thuộc diện cấp giấy chứng nhận đầu tư, đánh giá tác động môi trường hay không? Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất như thế nào? Chúng tôi đã xin ý kiến và đang chờ câu trở lời từ phía các sở ngành liên quan rồi mới đưa ra quyết định xử lý như thế nào theo đúng quy định của pháp luật. Ngay sau khi có câu trở lời từ phía các sở ngành liên quan chúng tôi sẽ cung cấp thông tin tới các anh chị”.

Mặc dù, các đơn vị sản xuất dăm gỗ trên địa bàn huyện Đakrông đã hoạt động trong một thời gian dài, tuy nhiên thủ tục pháp lý của họ có đầy đủ hay không? Có đúng các quy định của pháp luật hay không? Phía chính quyền địa phương vẫn đang lúng túng và chưa đưa ra được câu trả lời thỏa đáng.

Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục chuyển tải đến bạn đọc những thông tin mới nhất về "loạt nhà máy sản xuất dăm gỗ ở tỉnh Quảng Trị" trong các bài viết tiếp theo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Trị: Thiếu thủ tục pháp lý, doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ hoạt động rầm rộ tại Đakrông