Long An: Xây dựng thành phố Tân An là đô thị thông minh xứng tầm khu vực ĐBSCL

Trọng Nhân|03/01/2021 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong giai đoạn 2020 – 2025 tỉnh Long An tập trung triển khai mô hình xây dựng thành phố thông minh điểm tại Thành phố Tân An.

10 năm trở lại đây, kinh tế của tỉnh Long An đã có những bước phát triển mạnh mẽ và vươn lên dẫn đầu vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, TP.Tân An – thủ phủ của tỉnh vẫn chưa thực sự phát triển xứng tầm với vị thế, tiềm năng.

Theo UBND tỉnh Long An, thời gian tới, tỉnh thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, nền tảng, dịch vụ đô thị thông minh nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, cải thiện chất lượng đời sống nhân dân, tạo môi trường để người dân tham gia xây dựng chính quyền và quản lý xã hội…

Thành phố Tân An, tỉnh Long An

Dự án thực hiện giai đoạn 1 tại thành phố Tân An (Long An) nhằm xây dựng đô thị này trở thành thành phố thông minh. Theo đó, ngân sách tỉnh sẽ chi nguồn kinh phí gần 127 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục chính gồm: Nâng cấp, mở rộng Trung tâm dữ liệu tỉnh; xây dựng hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và giao thông; triển khai nền tảng đô thị thông minh (SCP); xây dựng Trung tâm điều hành thông tin (IOC) tập trung, đa nhiệm của tỉnh và một số ngành trọng yếu; triển khai Hệ thống ứng dụng công dân (eCitizen).

Đồng thời, Tân An phát triển các dịch vụ đô thị thông minh như: Dịch vụ phản ánh hiện trường; dịch vụ giám sát giao thông, an ninh trật tự; dịch vụ giám sát thông tin trên môi trường mạng; dịch vụ giám sát, điều hành dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch, hành chính công; dịch vụ tổng hợp thông tin kinh tế – xã hội…

Hiện nay, các dịch vụ, ứng dụng thông minh trên địa bàn tỉnh hầu như chưa có; hoặc nếu có cũng phát triển, xây dựng nhỏ lẻ theo các chuyên ngành của từng đơn vị; chưa có một cấu trúc tổng thể để có thể thiết lập các hệ thống thông tin liên thông, trao đổi dữ liệu với nhau nhằm phục vụ người dân và quản lý chung.

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến nhiều vấn đề về phát triển đô thị cần phải giải quyết như ô nhiễm môi trường, thiếu nhà ở dân cư,… Đồng thời, việc mở rộng phát triển các đô thị đôi khi chưa tính đến việc kết nối, dự báo, dự tính giữa kết cấu hạ tầng với các xu hướng phát triển của công nghệ mới; thiếu nguồn lực để phát triển, ít hỗ trợ lan tỏa đô thị hóa dẫn đến mất cân đối về lao động và định cư.

Việc đầu tư xây dựng hạ tầng, nền tảng, dịch vụ đô thị thông minh sẽ mang lại những hiệu quả cao trong phát triển kinh tế – xã hội; cung cấp các ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, hiệu quả; dữ liệu tạo ra trong quá trình vận hành dịch vụ sẽ giúp phát huy tối đa công tác điều hành với đầy đủ thông tin theo quy trình, lập trình chuẩn hóa, góp phần xây dựng nếp sống đô thị văn minh – hiện đại, giữ vững an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội, đảm bảo chất lượng môi trường sống, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhanh, bền vững.

Trọng Nhân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Long An: Xây dựng thành phố Tân An là đô thị thông minh xứng tầm khu vực ĐBSCL
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.