Theo thông kê, từ cuối tháng 7 nước lũ tràn về đột ngột trên sông La Ngà khiến hàng chục dèo nuôi cá bè tại khu vực các xã Thanh Sơn, Ngọc Định (huyện Định Quán) bị cuốn trôi. Những ngày tiếp theo, các khu vực trũng, thấp ven hệ thống sông Đồng Nai, đặc biệt là tại các huyện Tân Phú, Định Quán bị ngập lụt do lũ.
Cụ thể, các xã Phú Vinh, Thanh Sơn, Ngọc Định, Phú Hòa và Gia Canh (huyện Định Quán) đã xảy ra ngập cục bộ tại một số khu vực trũng. Thiệt hại nặng nhất là các hộ nuôi cá bè khi toàn huyện có 1.845 tấn cá các loại bị chết và thoát ra ngoài tự nhiên thuộc 269 lồng, bè của 38 hộ nuôi cá bị thiệt hại tập trung tại các xã Thanh Sơn, Ngọc Định, Phú Vinh. Toàn huyện có 195,5ha đất trồng lúa, rau màu và cây trồng khác bị ngập; 11 căn nhà bị ngập…
Huyện Tân Phú có hơn 565ha lúa, hoa màu, cây lâu năm bị ngập; 35 hộ bị ngập nền nhà, 50 hộ bị ngập chuồng gà, chuồng heo... tập trung tại các xã Nam Cát Tiên, Phú Điền, Phú Thịnh. Những thiệt hại khác gồm: 1 nhà kho bị sập, 1 căn nhà bị tốc mái, 79 căn nhà bị ngập, hơn 1 ngàn ha lúa, hoa màu, cây ăn trái bị ngập nước; sạt lở 40m taluy đường giao thông và 70m bờ sông; đồng thời ngập lụt cục bộ tại một số tuyến đường giao thông nông thôn. Ước tổng thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng.
Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Định Quán Nguyễn Trường Giang cho biết, hiện nhiều vùng bị ngập trên địa bàn huyện nước đã rút nhiều, tuy nhiên một số vùng trũng, nhất là một số cánh đồng lúa, nước vẫn ngập trắng đồng. Năm nay lũ đến sớm và bất thường hơn nhiều so với mọi năm. Đây cũng là nguyên nhân gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt với người nuôi cá bè vì trước đó mùa khô kéo dài làm cá nuôi bè chậm sinh trưởng; mặt khác thị trường tiêu thụ chậm cũng là nguyên nhân lượng cá đến kỳ thu hoạch còn tồn tại các bè nuôi nhiều khiến lũ xuất hiện nhiều hộ bị thiệt hại nặng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi vừa qua cũng đã về kiểm tra thực địa tại các địa phương của huyện Tân Phú, Định Quán đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan cần theo dõi kiểm tra thường xuyên về tình hình mưa lũ. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cần dự báo, cung cấp kịp thời thông tin đến người dân để chủ động ứng phó, nhất là kịp thời di dời người dân khỏi vùng thiên tai để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.