Lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 ước trên 7 triệu tấn

Minh Lâm|11/08/2023 16:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thông tin, lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 ước trên 7 triệu tấn, tương đương khoảng 14 triệu tấn thóc.

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phục vụ phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tuần sau cho hay, trong 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (gồm xuất khẩu gạo) đạt 29,1 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Dù vậy, ông Hoan cho rằng, các khó khăn trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn hiện hữu, nhu cầu thị trường phục hồi chậm. Một số biến động thị trường gần đây đặt ra thêm những thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT nêu một số biến động như việc Ấn Độ và một số quốc gia dừng xuất khẩu gạo; Thái Lan khuyến nghị giảm diện tích trồng lúa để tránh hiện tượng El Nino; rủi ro biến đổi khí hậu nhanh hơn dự kiến ảnh hưởng tới canh tác nông nghiệp; sáng kiến ngũ cốc Biển Đen không được gia hạn; xung đột địa chính trị tại châu Phi và Ukraine tiếp tục kéo dài…

Về đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo năm 2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thông tin, tổng diện tích lúa cả nước năm 2023 khoảng 7,1 triệu ha. Với năng suất trung bình đạt 60,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 43,1 triệu tấn thóc, tăng khoảng trên 452.000 tấn so với năm 2022.

xuat-khau-gao.jpg
Ảnh minh họa.

"Từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng lúa sẽ bảo đảm kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu", Bộ trưởng Hoan nêu rõ.

Theo ông Hoan, nhu cầu tiêu thụ lúa gạo trong nước khoảng 29,5 triệu tấn thóc. Đây là tính toán "có hệ số an toàn rất cao".

Với lượng tiêu thụ trong nước như trên, ông Hoan cho hay, lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 ước trên 7 triệu tấn, tương đương khoảng 14 triệu tấn thóc.

Về đảm bảo an ninh lương thực, ông Hoan cho hay, tính đến ngày 31/12/2020, cả nước còn hơn 3,94 triệu ha diện tích trồng lúa.

Tính từ năm 2021 đến hết tháng 7, đã chuyển đổi và thu hồi khoảng 6.370 ha (năm 2021 là 2.040 ha, năm 2022 là 2.220 ha, đến tháng 7 là 2.110 ha). Đây là diện tích Bộ NN&PTNT đã và đang phối hợp với Bộ TN-MT thẩm định trình Thủ tướng chấp thuận.

Với diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa do Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, HĐND cấp tỉnh quyết định (dưới 10 ha), ông Hoan cho hay, "Bộ NN&PTNT không có đầy đủ thông tin".

Dù vậy, trong giai đoạn tới năm 2030, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, với việc giữ diện tích đất trồng lúa là 3,5 triệu ha theo các kết luận của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội thì diện tích gieo trồng lúa là khoảng 7 triệu ha sẽ cho sản lượng khoảng 43 triệu tấn thóc/năm, tương đương với 27 - 28 triệu tấn gạo.

Cũng với tính toán "ở mức an toàn rất cao", với lượng lúa dùng cho đảm bảo an ninh lương thực của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác (dùng chế biến, thức ăn chăn nuôi, dự trữ trong dân, dự trữ quốc gia, làm giống...) khoảng 29,5 triệu tấn thóc/năm.

Mỗi năm Việt Nam còn khoảng 13,5 triệu tấn thóc (tương đương 7 - 8 triệu tấn gạo) dùng cho xuất khẩu gạo.

Ngoài lúa gạo, hàng năm Việt Nam sản xuất bình quân khoảng hơn 7 triệu tấn thịt hơi xuất chuồng, 10 triệu tấn thủy sản và chục triệu tấn rau quả.

"Về tổng thể ở cấp độ quốc gia, vấn đề an ninh lương thực nếu xét trên khả năng cung cấp là đảm bảo", ông Hoan khẳng định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 ước trên 7 triệu tấn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.