Lý do hàng loạt khu vực ở Hà Nội thiếu nước sạch

Lưu Trang|07/12/2023 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt chủ yếu do công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của người đứng đầu thiếu quyết liệt.

Sáng ngày 5/12, báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội tại Kỳ họp thứ 14 của HĐND TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Lê Hồng Sơn cho biết cơ bản hoàn thành với 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đạt kế hoạch. Trong đó, thu ngân sách đạt cao vượt 13,5% dự toán.

GRDP 9 tháng đầu năm tăng 6,08% (cả nước tăng 4,24%) - là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, xu hướng có cải thiện, quý sau cao hơn quý trước. Cả năm, GRDP của Hà Nội ước tăng 6,27%.

thieu-nuoc-sach.jpg
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội

Theo ông Sơn, bên cạnh những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thành phố vẫn còn tồn tại. Ví như, tăng trưởng kinh tế dự kiến cả năm chỉ tăng 6,11%, trong khi kế hoạch đề ra là 7,0%. Ngoài ra, vốn đầu tư xã hội và kim ngạch xuất khẩu cũng không đạt kế hoạch đề ra.

Đặc biệt, theo ông Sơn, tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt tại một số quận, huyện, nguồn nước không đảm bảo chất lượng, gây bức xúc cho người dân. Nguyên nhân được lãnh đạo Hà Nội chỉ ra là công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của người đứng đầu thiếu quyết liệt, xử lý tình huống còn lúng túng. Cùng với đó, năng lực một bộ phận cán bộ còn hạn chế, công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan có lúc thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả.

Trước đó, vào đầu tháng 10, tại khu đô thị Thanh Hà bị mất nước sinh hoạt nhiều ngày. Ngoài ra, từ cuối tháng 4 đến tháng 6 tại nhiều địa phương ngoại thành thành phố cũng bị mất nước sinh hoạt, làm cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Hàng loạt khu dân cư ở các quận huyện như Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Hoài Đức... bị thiếu nước sinh hoạt. Người dân phải xếp hàng đến 1-2h sáng chờ lấy nước từ các xe téc lưu động. Nhiều người phải nhịn tắm, sơ tán sang nhà người thân hoặc khoan giếng.

thieu-nuoc-sach-1(1).jpg
Người dân khu đô thị Thanh Hà xếp xô chậu đợi lấy nước sạch, đêm 15/10. Ảnh: Ngọc Thành

Theo nhận định của Sở Xây dựng, mùa hè năm 2024, Hà Nội có nguy cơ thiếu hụt khoảng 50.000 m3 nước mỗi ngày đêm, tập trung ở phía tây và tây nam. Trong khi đó, theo báo cáo giám sát của Ban đô thị (HĐND thành phố), đến nay trên địa bàn thành phố còn 139 xã/thị trấn chưa hoàn thành việc cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước sạch tập trung.

Nguyên nhân dẫn đến một số dự án chậm tiến độ là các chủ đầu tư thiếu quyết liệt trong triển khai thực hiện dự án theo tiến độ, kế hoạch được phê duyệt. Trong khi đó, một số chủ đầu tư hạn chế về năng lực tài chính, vốn, công nghệ. Công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với chính quyền cơ sở của một số dự án còn chưa tốt.

Hà Nội được đánh giá có lượng nước ngầm dồi dào. Trong tổng số 1,5 triệu m3 nước sạch cung cấp cho thành phố mỗi ngày đêm thì nước ngầm chiếm 770.000 m3, nước mặt 750.000 m3. Tuy nhiên, do khai thác tự phát kéo dài vài chục năm, mực nước ngầm đã sụt giảm, gây sụt lún đất, ô nhiễm asen.

Nhằm bảo vệ nước ngầm, bảo đảm cấp nước an toàn, bền vững, Thủ tướng ban hành quyết định số 554/2021 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Thành phố sẽ ưu tiên khai thác và sử dụng nguồn nước mặt, từng bước giảm dần nước ngầm.

Theo lộ trình, việc khai thác nước ngầm mỗi ngày đêm giảm dần từ 770.000 m3 như hiện nay xuống 615.000 m3 đến năm 2025; đến 2030 còn 504.000 m3 và đến 2050 còn 413.000 m3.

Một số nhà máy đã đóng cửa giếng ngầm, như Nhà máy nước Hạ Đình đóng 8/17 giếng, còn 9 giếng đang khai thác luân phiên. Từ nay đến năm 2030, nhà máy chỉ hoạt động với công suất 10.000 m3 mỗi ngày đêm, giảm 1/3 trước đó và đến năm 2050 sẽ đóng tất cả giếng ngầm.

Tương tự, Nhà máy Nước Pháp Vân công suất thiết kế 30.000 m3 mỗi ngày đêm đang giảm khai thác xuống 5.000 m3; sau năm 2030 ngừng các giếng nước ngầm, đưa về chế độ dự phòng.

Bài liên quan
  • Giá nước sạch Hà Nội sẽ tăng trong năm 2023?
    Công ty CP nước mặt sông Đuống cho biết, lộ trình điều chỉnh giá bán buôn nước sạch tăng từ 5.059 đồng/m3 lên mức 8.326 đồng/m3 vào năm 2023. Lộ trình tiếp tục tăng lên 9.100 đồng/m3 năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lý do hàng loạt khu vực ở Hà Nội thiếu nước sạch