Mai vàng gắn liền với văn hóa Tết Nam bộ
Hoa mai vàng không chỉ tôn vinh vẻ đẹp rạng ngời cho ngày xuân, mà còn phản ánh nhân sinh quan, trở thành một trong những biểu tượng độc đáo của văn hóa Tết, gắn liền tính cách vừa mộc mạc, giản dị, vừa coi trọng nhân nghĩa, đạo lý ở đời của con người Nam Bộ.
Ở mỗi vùng, miền đều có những phong tục đón tết mang đậm nét văn hóa địa phương, góp phần tạo nên nét phong phú trong văn hóa dân tộc. Ở Nam bộ, cây mai vàng được coi là linh hồn của mùa xuân và là biểu tượng của sự trường thọ và ngũ phúc (phước, lộc, thọ, khang, ninh). Cứ mỗi độ Tết đến, các gia đình Nam Bộ lại háo hức chọn lựa những cây mai vàng đẹp nhất, với những chùm hoa nở đều, vàng ươm, để trang trí trong nhà.
Người lao động bình dân, khi lựa chọn một cành mai để vui ba ngày Tết thì chỉ cần có nhiều hoa nở đúng vào lúc giao thừa, sau đó hoa mai vẫn còn tiếp tục nở rộ và lâu tàn ít nhất trong ba ngày tết thì đó là điềm lành, báo hiệu những ước mơ của gia chủ có nhiều hy vọng sẽ trở thành hiện thực.
.png)
Đối với người khá giả, họ chơi mai gốc, chọn lựa rất kỹ, cây mai phải to và cao, hoa lá sum suê, đồ sộ thể hiện sự giàu sang, sung túc của chủ nhân. Đặc biệt là làm sao cho hoa trổ bung, vàng rực cả cây vào đúng ngày mùng một tết, để năm đó công việc làm ăn sẽ thuận lợi, thành công và sự nghiệp thịnh vượng.
Hoa mai không chỉ tôn vinh vẻ đẹp rạng ngời cho ngày xuân, mà còn phản ánh nhân sinh quan, trở thành một trong những biểu tượng độc đáo của văn hóa tết, gắn liền tính cách vừa mộc mạc, giản dị, coi trọng nhân nghĩa, đạo lý ở đời của con người Nam bộ.
Theo thuyết “Ngũ hành”, hoa mai có màu vàng, tượng trưng cho hành thổ - trung tâm của ngũ hành (kim, mộc, thổ, thủy, hỏa). Thổ là đất đai, sự sống, đặc biệt với cư dân nông nghiệp còn là phương tiện nuôi sống con người, nhờ đất mà con người sản xuất, đem lại cuộc sống sung túc và thịnh vượng. Vì vậy, những đóa mai vàng khoe sắc không chỉ báo hiệu cho thời điểm năm hết tết đến, mà còn phản ánh khát vọng về cuộc sống tốt đẹp của cư dân người Việt trên vùng đất mới.
Một điều thú vị là theo phát âm của người Nam bộ, tên gọi của hoa mai còn đồng âm với sự may mắn của con người (mai/may) và mai vàng được quan niệm là “may mắn được vàng”, rất cần cho sự khởi đầu một năm mới. Cùng với đó, sắc mai vàng tượng trưng cho sự sung túc, giàu sang, phú quý, giúp thu hút tài chính và thịnh vượng cho gia chủ. Mai vàng nở đầu năm như mang đến sự phồn vinh, hạnh phúc cả năm. Người Nam Bộ thường trưng bày hoa mai vàng trong nhà vào những ngày đầu năm với hy vọng sẽ mang đến vận may về tiền bạc và công danh.
Ai từng ghé thăm Nam Bộ dịp Tết Nguyên đán hẳn sẽ cảm nhận sâu sắc giá trị văn hóa đậm đà mà hoa mai vàng gửi gắm. Mai vàng gắn liền với những lễ hội, những cuộc trò chuyện rôm rả bên mâm cơm gia đình, là biểu tượng cho sự khởi đầu mới mẻ và những ước vọng ngọt ngào cho năm mới. Từ những người lớn tuổi đến trẻ nhỏ, ai cũng đều mong muốn được đón Tết cùng những chùm mai vàng, như một cách để cảm nhận được sự đầy đủ, viên mãn trong cuộc sống.
Suốt bao đời nay, hoa mai vàng trở thành cầu nối, gắn kết tình cảm gia đình trong những ngày đầu xuân. Đặc biệt, đối với những người xa quê, hoa mai vàng càng trở nên ý nghĩa hơn. Mỗi năm, những người con xa nhà đều cố gắng chuẩn bị một nhánh hoa mai vàng để dâng lên bàn thờ tổ tiên, như một cách thể hiện lòng hiếu thảo và sự kết nối với cội nguồn.