Miền Tây: Mất mùa tôm cá vì lũ không về

Thùy Trang (T/h)|19/08/2019 06:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mùa lũ trước đây, với gần 100 cái lợp, có hôm ông Dũng ở Đồng Tháp Mười kiếm khoảng 30 kg cá lóc, trê, nhưng nay chỉ toàn ốc bươu vàng.

Giữa tháng 8, dọc kênh Phước Xuyên, giáp ranh Long An và Đồng Tháp có hàng trăm lồng bè nuôi cá lóc bông của người dân.

“Cùng thời gian này năm trước, hơn 3.000 con cá ba tháng tuổi, mỗi ngày ăn khoảng 30-40 kg mồi. Giá cá mồi khoảng 5.000 đồng một kg, một ngày tốn 150.000 – 200.000 đồng tiền thức ăn”, lão nông Trần Văn Thêm cho biết.

Cá lóc bông thường được xuất bán sau 6 tháng nuôi, nếu thuận lợi ông Thêm lãi trên 30 triệu đồng. Tuy nhiên, do chưa có lũ, cá tôm trên sông khan hiếm, nên ông phải mua cá biển làm mồi với giá 12.000 đồng mỗi ký. Chi phí đội lên gấp đôi, ông phải bán bớt phân nửa số cá, đồng thời cắt giảm cữ ăn.

Do mực nước sông thấp, ô nhiễm, cộng với bị thiếu ăn, hơn 100 con cá trong bè của ông đã chết.

“Tiếc đứt ruột nhưng không còn cách nào khác. Với tình hình này, người nuôi chắc chắn lỗ”, ông nói.

Để giảm bớt chi phí thức ăn, từ sáng sớm, ông Nguyễn Văn Dũng (63 tuổi, quê Tân Hưng, Long An) lái vỏ lãi hơn 10 km sông, đến tỉnh Đồng Tháp đặt lợp bắt cá. Các vụ trước, với gần 100 cái, có hôm ông kiếm khoảng 30 kg cá lóc, trê, rô. Còn năm nay, do nước cạn, những chiếc lợp đặt từ hôm trước nằm phơi nắng, chơ vơ dọc hai bên bờ sông.

Ông Dũng đang cho cá bè ăn từ ốc bươu vàng xay nhuyễn. Ảnh: Hoàng Nam

Gần nhà ông Dũng, anh Châu Văn Phước (Tam Nông, Đồng Tháp) cũng xách chiếc chài sang ao hàng xóm kiếm cá ăn. Anh Phước là dân đặt lợp cá sông lão luyện đã hơn 10 năm.

Những mùa nước nổi, với 400 cái lợp, mỗi ngày anh kiếm ít nhất 400.000 – 500.000 đồng. Còn hiện nay, hàng trăm chiếc lợp vẫn nằm chỏng chơ trước nhà sàn, bị dây leo phủ kín, chuột cắn phá hư hại quá nửa. Xóm làm lưới cá gần đó cũng vắng lặng, bởi không ai đến đặt mua.

Dọc kênh 79 Tân Hưng (Long An), những cánh đồng trũng sau thu hoạch vụ hè thu thường nước ngập sâu 20 – 30 cm, nay khô nứt nẻ, là chỗ chăn thả trâu bò. Nhiều người thuê lại ruộng với giá 400.000 đồng một hecta mỗi mùa để chăn thả vịt đồng, phải dùng máy dầu bơm nước vào ruộng cho chúng lội, tốn thêm chi phí.

Ông Hoa Thanh Niên, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Long An cho biết, mỗi năm địa phương đều có nguồn vốn hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có người không có công việc ổn định ở địa phương mùa lũ.

“Năm nay, nguồn vốn hỗ trợ dạy nghề khoảng 14 tỷ đồng, đã giải ngân được 4 tỷ, các lớp học nghề 3-6 tháng, trong đó 80% học viên có việc làm ổn định”, ông Niên nói.

Theo ông Trần Tấn Tài, Quyền trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Hưng, vụ hè thu, toàn huyện gieo sạ gần 40.000, phần lớn đã thu hoạch xong. Do không có lũ nên một số nông dân đánh liều gieo sạ vụ ba khoảng trên 3.000 ha, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.

“Mực nước trên sông đo tại huyện hiện nay chỉ có 0,6 m, theo dự báo lũ năm nay về chậm, thấp hơn năm rồi khoảng gần một mét, nguyên nhân là nước đầu nguồn sông Mê Kông không về”, ông Tài nói.

Ruộng vẫn chưa ngập lũ, được người dân chăn thả trâu bò. Ảnh: Hoàng Nam

Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước lũ Đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức thấp so với trung bình nhiều năm, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm.

Dự báo trong tháng 9, tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn Mekong tiếp tục tăng nhưng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm, 28 – 30%. Đỉnh lũ năm nay ở mức báo động 1 đến báo động 2, vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10, thấp hơn đỉnh lũ năm 2018.

Thùy Trang (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Tây: Mất mùa tôm cá vì lũ không về