Khói bụi bao trùm thủ đô New Delhi, Ấn Độ ngày 1/11/2019. Ảnh: Reuters
Đối với trẻ em, ô nhiễm không khí có thể gây ảnh hưởng tới phát triển và chức năng của phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và khiến bệnh hen suyễn thêm trầm trọng. Ở người lớn, bệnh tim mạch vành và đột quỵ là những nguyên nhân gây tử vong sớm phổ biến nhất, với tác nhân là ô nhiễm không khí ngoài trời.
Nhiều bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí cũng tác động đến bệnh tiểu đường và tình trạng thoái hóa thần kinh, theo WHO. Cơ quan LHQ nhận định gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí ngang bằng với các mối đe dọa sức khỏe khác như ăn uống không lành mạnh và hút thuốc lá.
WHO cho biết, trong khi chất lượng không khí đã được cải thiện đáng kể từ những năm 1990 ở những nước có thu nhập cao, số người chết toàn cầu và số năm sống khỏe mạnh bị mất hầu như không giảm, do chất lượng không khí đã xấu đi ở hầu hết các quốc gia khác, tương đồng với sự phát triển kinh tế của họ.
“Ô nhiễm không khí là mối đe dọa với sức khỏe ở mọi quốc gia, nhưng người dân ở nước có thu nhập thấp và trung bình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay.
WHO nói, cơ quan này đã đưa ra hướng dẫn mới về chất lượng không khí, nhằm bảo vệ sức khỏe con người trước những tác động tiêu cực từ ô nhiễm không khí. Lần gần đây nhất WHO ban hành hướng dẫn về chất lượng không khí (AQG) là vào năm 2005, tác động đáng kể đến chính sách giảm thiểu ô nhiễm trên toàn thế giới.
Hướng dẫn mới của WHO được đưa ra trước thềm hội nghị biến đổi khí hậu COP26 ở Glasgow, Anh, dự kiến từ ngày 31/10 đến 12/11. WHO cho biết cùng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí là một trong những mối đe dọa lớn nhất từ môi trường đối với sức khỏe con người. Cải thiện chất lượng không khí sẽ góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu và ngược lại.
Hoàng Anh