Một đứa trẻ sinh ra trong thời đại ngày nay sẽ đối mặt với nhiều mối nguy hại cho sức khỏe do biến đổi khí hậu gây ra, đó là sinh ra trong một thế giới nóng ấm hơn, cùng nguy cơ thiếu thực phẩm, dịch bệnh truyền nhiễm, lũ lụt và nắng nóng cực đoan.
Ảnh minh họa
Đây là kết luận của công trình nghiên cứu quy mô toàn cầu với sự tham gia của 120 chuyên gia của các tổ chức như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB)… Biến đổi khí hậu đã và đang gây tác hại cho sức khỏe con người do hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên hơn và ô nhiễm không khí ngày một trầm trọng. Nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu thế giới không hành động để giảm thiểu tác động, các thế hệ tương lai sẽ phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh và bệnh tật suốt đời.
92% người dân trên thế giới không được hít thở không khí trong lành, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5.000 tỷ USD mỗi năm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là nguy cơ môi trường lớn nhất đối với sức khỏe. Các chất ô nhiễm kích thước nhỏ trong không khí có thể xâm nhập vào hệ thống hô hấp và tuần hoàn, gây tổn thương phổi, tim và não, làm 7 triệu người chết sớm mỗi năm do bệnh tật như ung thư, đột quỵ, bệnh tim, phổi.
Khoảng 90% bệnh nhân sống ở những nước có thu nhập thấp và trung bình nhưng lượng khí thải cao từ các ngành công nghiệp, vận tải, nông nghiệp cũng nhưsử dụng bếp lò và nhiên liệu bẩn tại hộ gia đình. Khu vực châu Á -Thái Bình Dương có gần 4 triệu người tử vong sớm do ô nhiễm không khí mỗi năm. Nguyên nhân ô nhiễm không khí chính là do đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch cũng lại là nhân tố chủ yếu gây biến đổi khí hậu.
WHO ước tính từ năm 2030 đến 2050 biến đổi khí hậu có thể làm tăng thêm 250.000 trường hợp tử vong mỗi năm do suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và sốc nhiệt.
Minh Anh (t/h)