Mưa đá kèm dông lốc bất thường xuất hiện tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc

Nguyên Lâm|06/02/2023 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hình thái thời tiết cực đoan mưa đá kèm dông lốc diễn ra tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như đỉnh Fansipan (Lào Cai), Điện Biên, Lai Châu gây nhiều thiệt hại cho cây cối và hoa màu của người dân.

Theo báo cáo nhanh công tác Phòng, chống thiên tai (PCTT) của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT, chiều tối ngày 4/2 trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ đã xảy ra dông lốc, kèm mưa đá làm nhiều nhà dân bị tốc mái, nhiều biển hiệu, cây xanh đô thị bị gãy đổ và một số thiệt hại khác về rau màu, cây trồng. Hiện VPTT tỉnh Điện Biên đang rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại.

mua-da-3.jpg
mua-da-4.jpg
Mưa đá, dông lốc gây nhiều thiệt hại ở Điện Biên

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai, trận mưa đá trút xuống đỉnh Fansipan vào lúc 1h30 sáng 5/2 và kéo dài khoảng 10 phút. Đường kính trung bình của hạt đá là khoảng 1,5-2 cm, có hạt có đường kính lớn hơn.

Đây là trận mưa đá đầu tiên xảy ra ở tỉnh Lào Cai từ đầu năm 2023.

mua-da.jpg
Mưa đá với những hạt đường kính 1,5 đến 2 cm rơi trên đỉnh Fansipan (Lào Cai)

Tại Lai Châu, khoảng 21h00" tối ngày 5/2 một trận mưa đá lớn kèm theo gió to xảy ra tại huyện Mường Tè, gây nhiều thiệt hại cho cây cối và hoa màu của người dân.

Cụ thể, mưa đá kéo dài khoảng 15 phút, kèm theo gió to đã làm đổ, gãy cây xanh trên một số tuyến phố, đổ vỡ biển quảng cáo, của một số hộ gia đình trên địa bàn huyện và một số xã.

mua-da-2.jpeg
Huyện Mường Tè (Lai Châu)  xuất hiện mưa đá

Đặc biệt, xuất hiện mưa đá có đường kính từ 2 - 3 cm kèm theo gió to, làm dập nát nhiều diện tích hoa và rau màu của bà con nông dân.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mưa đá hình thành bên trong những đám mây đối lưu, bao gồm các hạt băng có kích thước khác nhau.

Hầu hết vùng miền ở nước ta đều nằm trong khu vực bán sơn địa, miền Bắc lại thường phải chịu tác động của các đợt không khí lạnh mạnh tràn về kết hợp với gió hội tụ tây nam trên cao. Chính sự kết hợp này hình thành nên mưa đá.

Hiện tượng mưa đá cũng thường xuất hiện trong các tháng chuyển tiếp giữa thời tiết lạnh sang nóng hoặc ngược lại.

Các tháng này thường có sự giao tranh mãnh liệt giữa các phân tử ở hai khối không khí có bản chất trái ngược nhau. Chính sự giao tranh này tạo nên những vùng đối lưu rất mạnh gây mưa rào và dông, kèm theo mưa đá.

Trong khi đó, miền Bắc đang trải qua đợt mưa phùn, nồm ẩm kéo dài, thời tiết ấm lên rõ rệt. Trạng thái này được dự báo kéo dài đến giữa tháng 2, trước khi khu vực đón thêm các đợt không khí lạnh gây rét khô vào nửa cuối tháng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mưa đá kèm dông lốc bất thường xuất hiện tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc