Theo nhận định của các chuyên gia thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, từ ngày 11/5 – 14/5, chủ yếu xuất hiện mưa dông rải rác ở ven biển miền Tây Nam bộ (tập trung chủ yếu vào chiều và tối).
“Khoảng ngày 15-5 trở đi sẽ có xu hướng gia tăng mưa cả về diện và lượng, có nơi mưa vừa, mưa to”, cơ quan dự báo thời tiết của Việt Nam nhận định. Một số chuyên gia cho rằng khoảng ngày 14-5, Nam bộ bắt đầu có mưa và khoảng ngày 16/5-17/5 có mưa to.
Ảnh minh họa
Tổng lượng mưa 10 ngày tới tại Nam bộ phổ biến từ 60-120mm, có nơi cao hơn. Mặc dù vậy, nhiệt độ cao nhất ban ngày vẫn dao động trong khoảng 32-35 độ C.
Do tăng mưa nên xu thế xâm nhập mặn từ ngày 11- 20/5 ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 5/2021.
Từ ngày 11/5-20/5, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế giảm dần vào đầu tuần, sau tăng nhẹ vào cuối tuần. Độ mặn cao nhất trong đợt này tại các trạm ở mức tương đương và thấp hơn thời kỳ từ ngày 1- 10/5.
Cụ thể, chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau:
Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 90-130km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại có phạm vi xâm nhập mặn 55-70km; Sông Hàm Luông có phạm vi xâm nhập mặn 65-80km; Sông Hậu, Cổ Chiên có phạm vi xâm nhập mặn 45-50km; Sông Cái Lớn có phạm vi xâm nhập mặn 52-58km.
Chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 80-120km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại có phạm vi xâm nhập mặn 50-55km; Sông Hàm Luông có phạm vi xâm nhập mặn 60-75km; Sông Cổ Chiên, sông Hậu có phạm vi xâm nhập mặn 35-42km; Sông Cái Lớn có phạm vi xâm nhập mặn 45-52km.
Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu thế giảm dần nhưng vẫn còn ở mức cao, các địa phương trước khi lấy nước ngọt, tưới cho cây trồng, cây ăn trái cần kiểm tra chặt chẽ nồng độ mặn.
Hoàng Anh