Mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt nghiêm trọng

Minh Trang|06/10/2023 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đỉnh lũ chính vụ thấp hơn báo động 1, nhưng triều cường lại cao. Các kỳ triều cường cuối tháng có thể gây ngập nhiều khu vực vùng giữa và ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Nguyễn Huy Khôi, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, nhiều khả năng đỉnh lũ chính vụ khu vực đầu nguồn sông Cửu Long đã xuất hiện trong những ngày đầu tháng 10.

Cụ thể, ngày 1/10, mực nước sông Tiền tại Tân Châu là 3,02 m, mực nước sông Hậu tại Châu Đốc là 2,85 m. Ngày 2/10, mực nước tại Tân Châu là 3,07 m, mực nước tại Châu Đốc là 2,88 m. Ngày 3/10, mực nước tại Tân Châu là 3,02 m, mực nước tại Châu Đốc là 2,84 m.

Nếu từ nay đến tuần thứ 3 của tháng 10, diễn biến mưa bão trên lưu vực sông Mê Công và triều cường không có gì bất thường thì nhiều khả năng đỉnh lũ ngày 2/10 là đỉnh lũ của năm 2023 tại Tân Châu và Châu Đốc. Mực nước sau đó có xu thế giảm xuống theo triều.

ngap-lut-1.jpg
Người dân Cần Thơ phải dùng ghe đi lại trên một số đường phố bị ngập sâu bởi triều cường. Ảnh: Sơn Trang

Như vậy, đỉnh lũ đầu nguồn sông Cửu Long từ đầu năm đến nay ở mức thấp và thấp hơn khá nhiều so với báo động 1 (3,5 m tại Tân Châu và 3 m tại Châu Đốc). Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho rằng, với mức lũ này, về cơ bản, các khu sản xuất nông nghiệp trên các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long thuộc vùng thượng không bị ảnh hưởng bởi lũ.

Tuy nhiên triều cường trong tháng 10 ở ĐBSCL được dự báo ở mức cao. Đỉnh triều dự báo tháng 10 cao hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN), và cao hơn đỉnh triều các năm 2022, xấp xỉ đỉnh triều năm 2021. Dự báo, đỉnh triều cao nhất tại Gành Hào đạt 2,24m.

Do chịu tác động mạnh bởi thủy triều, ở vùng giữa và ven biển ĐBSCL, đỉnh lũ được nhận định ở mức từ báo động 2 đến báo động 3, và trên báo động 3. Khi lũ chính vụ kết hợp triều cường sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến các khu vực thấp trũng trên 2 vùng này. Các kỳ triều cường cuối tháng 10, tháng 11, tháng 12 có nhiều nguy cơ gây ra tình trạng ngập lụt/úng trên các khu vực thấp trũng thuộc vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL, tình trạng ngập lụt/úng sẽ nguy hiểm hơn trong trường hợp triều cường gặp mưa lớn.

Đối với các hệ thống thủy lợi (HTTL) thuộc các tỉnh ven biển ĐBSCL, những HTTL khép kín gồm Gò Công, Nhật Tảo – Tân Trụ, Nam Măng Thít, Long Phú – Tiếp Nhật, Ba Rinh – Tà Liêm, cơ bản an toàn ứng với mức lũ và triều như dự báo. Tuy nhiên, các HTTL khác và các vùng ven sông do chưa khép kín nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn ứng với mức lũ và triều như dự báo do cao trình các ô bao bảo vệ sản xuất bên trong nội đồng ở mức thấp và chưa được đầu tư kiên cố.

Các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang và Kiên Giang cần hết sức đề phòng ngập úng do mưa và triều cường. Những tiểu vùng tuy đã có ô bao khép kín nhưng do địa hình thấp, cao trình bờ đê bao ở mức thấp, chân triều cao nên khó khăn trong việc tiêu rút nước dễ xảy ra tình trạng ngập úng khi mưa lớn và triều cường, vì vậy cần đề phòng và có các phương án chủ động ứng phó. Những tiểu vùng chưa khép kín, nguy cơ xảy ra ngập úng ở mức cao hơn so với các tiểu vùng khép kín, vì vậy cần hết sức lưu ý đặc biệt trong trường hợp triều cường cao kết hợp mưa lớn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt nghiêm trọng