Mùi hương của Tết

Bùi Anh Tuấn|07/02/2024 15:03
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Cái tết Nguyên đán vốn đẹp đẽ, nhất là trong ký ức của những người bắt đầu chớm có tuổi hoặc thích đắm chìm trong hoài niệm. Vẻ đẹp của Tết không chỉ ở sự sung túc "no 3 ngày Tết" hay ở màu sắc tươi tắn, muôn hồng nghìn tia, mà còn ở những mùi hương rất Tết.

Mùi hương của Tết bắt đầu rõ ràng hơn từ sau rằm tháng Chạp, khi những sớm tinh mơ theo chân mẹ ra chợ phiên. Sương đã dày thêm, nặng thêm, bám ướt trên tóc, trên vai. Mùi không khí đẫm hơi nước, xen lẫn trong đó là mùi đất ẩm ngai ngái của những cơn mưa phùn, mùi của hoa quả ngày Tết, mùi của lá dong giềng, mùi sản vật các nơi tụ về… Vang khắp chợ là tiếng chào nhau, nói chuyện rôm rả, chuyện sắm Tết, chuyện gói bánh chưng… râm ran khắp những con đường.

img_3140.jpg

Mùi hương của Tết bắt đầu rõ ràng hơn từ sau rằm tháng Chạp

Nhớ thời xưa khó, dù thiếu thốn nhưng Tết đến thì nhà nào cũng phải có nồi bánh chưng. Không có bánh chưng thì không có không khí, phong vị Tết. Cả nhà cùng chăm chút. Củi phải để dành, phải gom từ rất lâu. Rồi ngày giáp Tết, đám con trẻ rộn ràng rửa lá dong, ngâm gạo, đãi đỗ xanh. Cái lạnh miền Bắc đến cắt da cắt thịt mà lũ trẻ tay ngâm trong nước, tê cóng, vẫn miệt mài kỳ cọ từng kẽ lá, tẩn mẩn gạt từng lớp vỏ đỗ, đãi tí một cho đến khi nước sạch tinh.

Sung sướng nhất là sau màn gói bánh của bố, bếp được bắc. Bọn trẻ thi nhau xung phong trông bánh. Ngồi quanh bếp lửa sôi lục bục, chìa bàn tay cứng lạnh, đỏ ửng, hơ hơ cho ấm lại, chốc chốc bốc nắm trấu khô ném vào lửa, bùng lên như pháo hoa. Hương mùi nếp mới, hương mùi đậu xanh và mùi thịt lợn ướp tiêu cứ quyện vào nhau quyến rũ theo khói nghi ngút bay lên, kế đến là mùi khoai vùi trong bếp sém vàng thơm phức. Tiếng lửa tí tách, mùi nhựa chảy ra từ những thanh củi trong ánh lửa bập bùng.

Thương yêu nhất là buổi chiều cuối năm, đi qua cửa nhà nào cũng nhìn thấy một khung cảnh ấm cúng, hoặc đang cùng nhau dọn dẹp bày biện, hoặc quây quầy bên mâm cơm tất niên. Cùng với khung cảnh bình yên ấy là một mùi trầm ngan ngát tỏa hương, gợi man mác nhớ những bóng dáng ông bà thuở nào vào ra dưới hiên nhà. Mùi hương trầm ngọt ấm, thanh tao hễ cứ đốt lên là mang đến cảm giác của một cõi thiêng đặc biệt và huyền bí, khiến người đang đi đường lại thêm nôn nao muốn mau chóng trở về nhà.

Không ngọt ấm thanh tịnh như trầm nhưng cũng không thể thiếu trong các gia đình những ngày giáp Tết là mùi hương bình dị của lá mùi già. Dù bây giờ hầu như nhà nào cũng dùng bình nóng lạnh, vòi hoa sen nhưng vào những ngày giáp Tết không thể thiếu nồi nước lá mùi già để tắm gội “tẩy trần”, hoặc đơn giản là để thơm cửa thơm nhà như một nghi thức xông hương. Hương mùi già đậm mùi đồng đất thôn quê mang lại cảm giác sạch sẽ, sảng khoái nhưng cũng đầy ấm áp, vấn vương. Có khi mới chỉ đầu tháng Chạp thôi, Xuân còn chưa về đến cửa nhưng nhà nào đó đã đun nước lá mùi già, hương thơm bốc lên khiến những gia đình xung quanh cũng rộn ràng, cảm giác Tết đã thực sự cận kề.

Hương vị của Tết không chỉ là mùi của hoa của quả, của hương trầm hay lá mùi già, mà còn là mùi thơm cay của chảo mứt gừng, của nồi gà luộc măng ninh, của mứt thơm chè ngọt… Khó mà đếm được có bao nhiêu thứ hương gom thành mùi hương của Tết. Song những hoa, những trầm, những mùi già, những măng ninh gà luộc… sẽ chẳng đủ để làm nên mùi của Tết, nếu thiếu đi một chất xúc tác – một thứ mùi vị quan trọng, đó là mùi của sự đoàn viên gia đình, mùi của ngập tràn yêu thương. Thứ mùi ấy ta chỉ có thể cảm nhận khi thấy nụ cười trên môi của ông bà, cha mẹ lúc ngắm nhìn đàn cháu con trở về sum vầy trong bữa cơm chiều Ba mươi. Chỉ cần thật nhiều yêu thương, chỉ cần được sum vầy đủ đầy là đã ra “mùi hương của Tết”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùi hương của Tết