Mỹ lần đầu tiên ghi nhận virus cúm gia cầm H5N1 trên lợn

Hoàng Thơ |01/11/2024 17:14
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đây là lần đầu tiên virus cúm gia cầm được phát hiện ở lợn tại Mỹ, làm dấy lên lo ngại về khả năng cúm gia cầm có thể trở thành mối đe dọa đối với con người.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) xác nhận phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trên lợn nuôi tại một trang trại nhỏ ở Oregon, đánh dấu trường hợp đầu tiên loại virus này xuất hiện trên lợn tại Mỹ, Reuters đưa tin.

cum-gia-cam(1).jpg
Mỹ lần đầu tiên ghi nhận virus cúm gia cầm H5N1 trên lợn

Bệnh dịch xảy ra tại một trang trại gia đình ở quận Crook, trung tâm bang Oregon, nơi nhiều loài động vật khác nhau cùng chia sẻ nguồn nước và được nuôi nhốt chung. Tuần trước, gia cầm tại trang trại này được phát hiện đã bị nhiễm virus cúm gia cầm. Trong khi đó, xét nghiệm trong tuần này cho thấy 1 trong 5 con lợn của trang trại đã bị nhiễm cúm gia cầm H5N1.

Trang trại đã bị cách ly và cả 5 con lợn đều bị tiêu hủy, đồng thời cơ quan chức năng tiến hành thêm xét nghiệm. Đây không phải là một trang trại thương mại và giới chức nông nghiệp Mỹ cho biết không có mối lo ngại nào về sự an toàn đối với nguồn cung thịt lợn ở nước này.

Dù nguy cơ đối với chuỗi cung ứng thịt lợn không cao và rủi ro đối với công chúng vẫn ở mức thấp, sự xuất hiện của H5N1 trên lợn vẫn là một cảnh báo cho ngành nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng.

Điều này đặc biệt đáng lo ngại vì lợn có thể nhiễm cùng lúc virus cúm gia cầm và cúm người, tạo cơ hội cho sự kết hợp giữa các loại virus và tiềm tàng hình thành chủng virus mới dễ lây nhiễm sang người.

Lợn từng là nguồn phát sinh của dịch cúm H1N1 trong giai đoạn 2009-2010 và có liên quan đến nhiều loại cúm khác. Theo nhà nghiên cứu vi sinh học Richard Webby từ Bệnh viện Nghiên cứu Trẻ em St. Jude và là chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về cúm trên động vật, nếu trường hợp này xảy ra tại một trang trại chăn nuôi quy mô lớn thì mức độ đáng báo động sẽ cao hơn nhiều.

Tuy vậy, ông vẫn nhấn mạnh sự cần thiết trong việc theo dõi sát sao sự lây lan của virus, đặc biệt khi nó có liên quan đến các loài chim hoang dã. Theo USDA, các con lợn ở trang trại này không nằm trong chuỗi cung cấp thịt thương mại nhưng phát hiện này vẫn ảnh hưởng đến giá thịt lợn trên Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago do lo ngại lan rộng trong ngành.

Việc lợn và gia cầm tại trang trại sử dụng chung nguồn nước, chuồng trại và dụng cụ đựng thức ăn có thể đã làm tăng nguy cơ lây lan virus giữa các loài. Đây là những đường truyền bệnh phổ biến trong các đợt dịch ở các bang khác.

Bác sĩ Marie Culhane, chuyên gia về y học thú y tại Đại học Minnesota, đã nghiên cứu về virus cúm ở lợn, cho biết phát hiện này là lời nhắc nhở để các nông trại lợn tăng cường các biện pháp giám sát và chuẩn bị ứng phó cho trường hợp nhiễm bệnh tiềm tàng trong các đàn khác. Bà Culhane lưu ý rằng, “lợn là vật chủ rất dễ nhiễm virus cúm và nông dân cần phải tăng cường cảnh giác”.

Bộ Nông nghiệp Mỹ đã tiến hành các xét nghiệm di truyền trên gia cầm của trang trại và không ghi nhận bất kỳ đột biến nào cho thấy loại virus này đang có khả năng lây lan sang người nhiều hơn. Theo đó, rủi ro hiện tại của virus cúm gia cầm đối với con người vẫn ở mức thấp.

Một chủng virus cúm gia cầm khác đã được báo cáo ở lợn bên ngoài nước Mỹ trước đây nhưng không gây ra đại dịch ở người.

Phiên bản cúm gia cầm này - được gọi là virus cúm loại A phân tuýp H5N1 - đã lây lan rộng rãi ở Mỹ trong các loài chim hoang dã, gia cầm, bò và một số loài động vật khác. Ngành y tế Mỹ cho biết sự dai dẳng của chủng virus này làm tăng khả năng mắc bệnh, phơi nhiễm ở người.

Năm 2024, Mỹ đã có 36 ca dương tính với virus cúm gia cầm, trong đó chủ yếu là những người làm việc tại các trang trại có tiếp xúc trực tiếp với động vật nhiễm bệnh. Từ năm 2022, dịch cúm gia cầm tại Mỹ đã gây thiệt hại nghiêm trọng với hơn 100 triệu gia cầm bị tiêu hủy trong đợt dịch tồi tệ nhất trong lịch sử.

H5N1 là một loại virus cúm A có khả năng gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm, chính vì thế mà H5N1 còn có tên là cúm gia cầm.

Nếu không phòng ngừa và ngăn chặn, dịch cúm A/H5N1 cũng sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế và có thể trở thành thảm họa đối với môi trường. Động vật chết hàng loạt do dịch bệnh nếu không được xử lý kịp thời sẽ phá hủy nghiêm trọng sự cân bằng sinh thái, kéo theo ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí...

Ngoài ra, cúm A H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người. Khi bị nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60%.

Bài liên quan
  • [VIDEO] Dịch tả lợn châu Phi nguy cơ bùng phát mạnh trên cả nước
    Theo lãnh đạo Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hệ lụy của cơn bão số 3 và mưa lũ vừa qua đã khiến dịch bệnh phát tán ra môi trường rất cao. Tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ cũng chính là nơi dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ bùng phát mạnh nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Mỹ lần đầu tiên ghi nhận virus cúm gia cầm H5N1 trên lợn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.